Ngày 20/4 (rạng sáng 21/4 theo giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô trên Sàn giao dịch New York lần đầu tiên rơi xuống mức giá âm (dưới 0 USD/thùng).
Thông tin trên trang Bloomberg, khái niệm kinh tế “giá âm” được hiểu là mức giá khi thị trường bán buôn một mặt hàng (như dầu mỏ) ở tình trạng cung vượt quá cầu.
Hiện nay, tình trạng này đang xảy ra với thị trường dầu mỏ thế giới, khi nhu cung vượt quá cầu và các kho chứa khắp nơi trên thế giới đã tràn.
Theo Reuters, chốt phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn giao dịch New York đã lao dốc xuống -37,63 USD/thùng. Giá dầu kỳ hạn tháng 6 tuy vẫn ở mức 22 USD/thùng, song cũng đã giảm mạnh so với phiên giao dịch trước.
Theo các chuyên gia, hiện tượng chưa từng có trong lịch sử thị trường dầu này là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về tác động của dịch Covid-19 đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Thực tế, khi hàng tỷ người trên thế giới được khuyến cáo ở trong nhà để ngăn dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ dầu thô đã giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung.
Trong khi giá dầu thô kỳ hạn giảm khoảng 130% kể từ đầu năm nay, giá dầu Brent cũng giảm khoảng 60%.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí của Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Theo khảo sát của công ty Rystad Energy, hơn 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ có thể sẽ nộp đơn phá sản vào cuối năm 2021 nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, thậm chí, gần như toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực này phá sản nếu giá dầu xuống dưới 10 USD/thùng.
Trước đó, chính phủ Mỹ cũng đã thông qua gói ngân sách trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo số liệu trên trang web Worldometers, tính đến chiều 20/4 theo giờ địa phương, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ là hơn 42.300 ca, tăng hơn 1.700 ca so với một ngày trước đó. Số người mắc Covid-19 tại Mỹ trong ngày cũng tăng gần 25.000 ca lên hơn 789.000 ca.
Mỹ hiện là quốc gia có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Một số bang của Mỹ đã cho thấy những dấu hiệu qua đỉnh dịch, tuy vậy các thống đốc vẫn tỏ ra khá thận trọng với kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại.
Thủy Tiên (TH)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-dau-tho-the-gioi-xuong-thap-ky-luc-sau-hon-hai-thap-ky-a540892.html