Nhà báo Hữu Phú
Tầm trưa cùng ngày, tôi đã lang thang ở các cảng cá nằm trong địa bàn khống chế của Minh “samasa”, quan sát thực địa, ngấm ngầm điều nghiên phương thức hoạt động của băng nhóm và tìm ra được điều quan trọng nhất là: kẻ thù của Minh “samasa” tại đất Vũng Tàu. Thói đời, kẻ thù của ta lại là người hiểu rõ ta nhất (vì luôn săn tìm, tích trữ bằng chứng để tiêu diệt đối thủ). Mắt xích quan trọng này được tôi tận dụng vào ngay buổi chiều hôm ấy, với phương châm “sét đánh không kịp bưng tai”.
…Con ngõ hẹp dài ngoằng với những người phụ nữ ngồi cầm đá xanh đập ghẹ (gỡ thịt bán cho các mối) nhìn rất “dữ”, có vẻ ẩn chứa một sự nguy hiểm không hình dung cụ thể được, đón tôi với vẻ dè chừng. Càng đi sâu vào trong hẻm tôi càng cảm thấy âu lo. Âu lo vì tôi là người lạ, sẽ bị đối xử như thế nào khi thâm nhập vùng đất dữ mà không “giấy thông hành”; âu lo vì không biết kế hoạch táo bạo của tôi sẽ đem lại kết quả gì?
Tôi thành công hay thất bại, tôi yên bình trở về Sài Gòn với người phụ nữ tôi yêu hay bỏ mạng tại đất Vũng Tàu gió cát?. Chốc chốc, tôi lại bắt gặp những người đàn ông cởi trần, xăm trổ đầy mình, nhìn tôi bằng ánh mắt săm soi…
Cuối cùng, tôi cũng tìm được căn nhà muốn tìm ở sâu trong hẻm. Đón tôi là một người đàn ông vạm vỡ, rắn chắc, trên mặt có vết thẹo, trông rất dữ tợn. Anh ta tên Nguyễn Văn Việt , biệt danh “Ba Vạc”, người vừa mới cùng đàn em có một trận huyết chiến kinh hồn với băng nhóm của Minh “samasa” tại cảng Lò Than mấy tuần trước.
Không cần màu mè, quanh co, tôi vào thẳng vấn đề: Tôi là phóng viên báo Thanh Niên, muốn tìm hiểu mọi thông tin cụ thể về băng nhóm của Minh “samasa”, mục tiêu là xóa sổ băng nhóm này trên đất Vũng Tàu. Sau vài giây nhìn thẳng vào mắt nhau dò xét, “Ba Vạc” đồng ý cung cấp tất cả thông tin. Chúng tôi bắt tay thật chặt, thay một cam kết hợp tác, như những người đàn ông. Câu chuyện của Ba Vạc khiến tôi hình dung được phần nào bức tranh toàn cảnh về những hoạt động của băng Minh “samasa” và thế giới ngầm phố biển.
Khởi nghiệp từ một gã bốc vác ở cảng cá Vũng Tàu, rồi trở thành kẻ cho vay nặng lãi chuyên nghiệp, sau đó lấn sân sang lĩnh vực bảo kê vũ trường, quán bar và môi giới gái mại dâm, khi đã trở thành một trong những đại ca máu mặt nhất phố biển, đầu năm 1995, Minh “samasa” bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực thu mua hải sản, dần khuếch trương thanh thế tại cảng cá ở phường 5, phường 6 (TP. Vũng Tàu), tự phong cho mình là đội trưởng đội bốc vác, độc quyền thu mua cá, tôm, hải sản tại cảng cá này và Long Hải (huyện Long Đất). Ngoài ra, Minh độc quyền bốc vác cá, tôm, hải sản ở cảng Incomai, Lò Than, Xivichai. Hoạt động của Minh “samasa” có thể so sánh như Khánh “trắng” ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Từ tư thương đến ngư dân, doanh nghiệp mua bán cá ở cảng này muốn hay không đều phải thuê người của Minh bốc, xếp cá. Đám đàn em của Minh "samasa" nhận được lệnh của ông trùm, ngang nhiên thu "tô" của ngư dân và tiểu thương ở cảng cá. Ngoài việc thu "tô", Minh còn sai đàn em ép đến cùng đường, đến khuynh gia, bại sản những ngư dân đi tàu xa bờ không chịu bán cá rẻ cho chúng. Lúc đó, băng “Ba Vạc” từ TP.HCM xuống kiếm sống dựa vào bốc vác hải sản trên địa bàn trước Minh “samasa” khá lâu.
Để độc chiếm “vương quốc” màu mỡ này, Minh “samasa” huy động đệ tử vác mã tấu đi “nói chuyện”, đánh trọng thương đàn em của “Ba Vạc”. Ngay sau đó, “Ba Vạc” tổ chức phản kích trở lại khiến 3 đàn em của Minh phải nhập viện. Sau nhiều lần giao chiến bất phân thắng bại, Minh "samasa" cầu viện Đức "Năm Nghệ" và cả Lâm "chín ngón" (khi đó đang ở TP.HCM) đánh cho "Ba Vạc” phải nhập viện. Băng nhóm tan rã, “Ba Vạc” trốn về TP.HCM ẩn náu. Minh cho đám đệ tử lùng sục, lôi “Ba Vạc” về Vũng Tàu, đánh một trận nhừ tử và gán cho tội tống tiền công đoàn bốc xếp do Minh tự phong, rồi đem “Ba Vạc” đến Công an TP. Vũng Tàu giao nộp.
Những thông tin của nhóm “Ba Vạc” về băng nhóm Minh “samasa” ngồn ngộn, rất quan trọng, có thể giúp tôi “dựng” lên cả một quá trình hình thành, hoạt động, phát triển… của cá nhân Minh “samasa” và băng nhóm của y. Nhưng đáng tiếc, đây chỉ mới là thông tin một phía, chưa được xác minh, chưa có giá trị sử dụng về mặt báo chí.
Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định sẽ “bắt sống” “Ba Vạc” về TP.HCM, đưa vào Bộ Công an, làm thêm một công đoạn nữa là biến anh ta thành nhân chứng của vụ án, cung cấp lời khai cho cơ quan chức năng (xác lập chứng cứ trong quá trình điều tra) để có thể tạm thời sử dụng những thông tin này trên mặt báo dưới dạng nghi vấn.
Tôi hẹn với “Ba Vạc” một ngày tái ngộ rất gần ở Sài Gòn, rồi quyết định ở lại Vũng Tàu thêm vài ngày nữa để xác minh những vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể, riêng lẻ của băng nhóm Minh “samasa” từ cơ quan chức năng địa phương.
Việc xác minh thông tin từ cơ quan chức năng địa phương là việc cần phải làm, là bước không thể thiếu trong quá trình hoàn thành một phóng sự điều tra. Nhưng, chính bước đi này đã khiến tôi suýt phải trả giá bằng sinh mạng mình ở phố biển Vũng Tàu…
Một đêm thật yên bình đã trôi qua với tôi trong căn phòng nhỏ của một nhà trọ rẻ tiền ở khu vực bãi sau, Vũng Tàu.Vừa tự thưởng cho mình một tô bún bò hảo hạng ở khu vực bãi trước, tôi đã bắt tay ngay vào việc trong ngày mới. Suốt hôm đó, tôi “xà quần” ở các cơ quan công an địa phương để xác minh những vụ việc đã từng xảy ra có dính dấp đến băng nhóm Minh “samasa” hoặc là người có liên quan trong quá khứ gần, xa…
Không biết thông tin tôi muốn xác minh là quá khó hay số tôi ‘xui” hoặc các đồng chí công an lười lục tìm dữ liệu lưu trữ… Đi đến đâu, từ công an tỉnh đến công an phường, tôi cũng bị từ chối và hẹn sẽ trả lời trong lần gặp sau.
Không gặp được một lãnh đạo hay người có tư cách phát ngôn nào trong các cơ quan chức năng, tôi đành phải chờ và cay đắng thầm nhủ: “Ở những công đoạn đầu trong tiến trình điều tra vụ việc, tôi chỉ cần có 8 tiếng đồng hồ để “giải quyết” tất cả các khâu cần thiết.
Chỉ còn 1 khâu cuối cùng, là tôi đã có thể ung dung rút chạy ra khỏi Vũng Tàu, vững vàng làm thêm mấy công đoạn nhỏ nữa là bài điều tra có thể lên bản thảo. Vậy mà, 24 giờ trôi qua, công việc của tôi vẫn không tiến triển thêm chút nào, dù chỉ có đối chiếu so sánh thông tin vụ việc, trả lời đúng hay sai, có hay không!”.
Trước khi xuất hiện công khai săn tìm thông tin của băng nhóm Minh “samasa” tại cơ quan chức năng, tôi là một kẻ vô hình, vô danh, không ai biết mặt, mức độ an toàn sinh mạng của tôi trong việc điều tra vụ án này gần như là 100%. 24 giờ sau, có quá nhiều người biết tôi đang tìm cách “lượm” băng Minh “samasa”, mức độ an toàn của tôi trong vụ việc là bằng 0, phụ thuộc hoàn toàn vào lòng hảo tâm của “ai đó” mà tôi không thể đoán được là ai do có vô số người nằm trong diện bị tình nghi, dù tôi chỉ tiếp xúc với người của cơ quan công quyền và kẻ thù Minh “samasa”. Tôi đã đánh mất quyền chủ động của mình chỉ vì một niềm tin ngây thơ, tưởng rằng đây là công đoạn dễ nhất.
Quá thất vọng, buổi chiều tôi đi tìm các “chiến hữu” cũ của tôi ở địa phương, ra chợ mua môt con vịt, nhậu một bữa tiết canh cho đỡ cô đơn và cũng đỡ… sợ, khi ở một mình nơi đất khách. Đến tối, gần 11 giờ đêm, tôi mới trở về nhà trọ chuẩn bị đi ngủ. Vừa bước chân vào khu nhà trọ, tôi đã gặp một đàn em của “Ba Vạc” thông báo với tôi: nghe nói rằng Minh “samasa” đang cho người đi tìm “thằng phóng viên” nào điều tra y để “thanh toán”. Nỗi lo, sự hoài nghi của tôi đã trở thành sự thật! Tôi tỉnh hẳn người, vội vàng thu xếp đồ đạc, trả phòng, giả bộ ra về, nhưng nán lại ở gần phòng trọ, thăm dò động tĩnh để nắm lại thế chủ động.
Minh “samasa” khởi nghiệp giang hồ tại Vũng Tàu bằng nghề tổ chức, môi giới mại dâm. Sự xuất hiện của Minh tại Vũng Tàu khiến chuyện tranh giành địa bàn thường xuyên xảy ra. Trong một lần chở gái bán dâm đến khách sạn Ngôi sao tương lai cho khách, Minh đụng độ với băng của Hải "lộ" - một giang hồ cộm cán trên địa bàn và bị Hải “lộ” đánh mặt mũi bê bết máu. Để lấy lại số má, Minh “samasa” điều động đàn em chuẩn bị đi tìm Hải “lộ” để trả thù, đồng thời liên lạc với trùm giang hồ khét tiếng Đức “Năm Nghệ” ở TP. HCM nhờ trợ giúp. Nhận tin, Đức “Năm Nghệ” đưa quân xuống Vũng Tàu tăng cường cho Minh. “Liên quân” Minh - Đức hùng hổ vác mã tấu đến bao vây nơi “ém quân” của đám Hải “lộ”. Hải “lộ” hoảng sợ xuống nước, tìm cách xin giảng hòa bằng cách chặt ngón tay út gửi đến “anh Minh” cùng một bức huyết thư để tạ tội. Minh “samasa” không chấp nhận sự “hối lỗi” này, sai đàn em chém Hải “lộ” trước cửa rạp hát Điện Biên trên đường Đồ Chiểu. Trong cuộc “đại chiến” này, một đàn em của Minh bỏ mạng, nhưng thanh thế và uy lực băng nhóm của Minh “samasa” bắt đầu lan rộng.
Hữu Phú/NDT