Cả xã bị “băm nát” để phân lô, bán nền

Cuối tháng 5/2020, có mặt tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên về tình trạng phân lô bán nền tại đây. Cả xã đang bị băm nát… do nạn đầu cơ “ảo”. Đâu đâu cũng thấy phân lô, bán nền, đất nông nghiệp trồng cây gần như đã không còn tồn tại.

Cơn dày xéo đất đai

Phải nói rằng, đang có một “cuộc đổ bộ” của giới đầu tư về xã An Viễn gom đất, phân lô bán nền. Nhìn trên bản đồ vệ tinh dễ thấy được rằng, hàng trăm, hàng ngàn hecta cây trồng lâu năm như: cao su, điều hay các loại cây trồng ngắn ngày như mì (khoai sắn) và hoa màu khác… đã không còn. Thay vào đó, trên thực tế là những thửa đất hoang hóa hoặc cỏ dại mọc đầy.

Có mặt tại hiện trường, thi thoảng, PV Người Đưa Tin Pháp luật bắt gặp một vài chiếc máy ủi, máy xúc… “làm đường”, tiếp tục phân lô. Ven đường, hàng loạt người “đứng chốt” rao bán đất, với giá từ vài ba trăm đến dăm bảy trăm triệu đồng/nền, tuỳ theo vị trí, diện tích… rải đều khắp trên mọi ngõ ngách của xã này.

Nhiều người đau đớn, rớt nước mắt khi nhìn thấy đất đai vốn từng là của mình bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm.

Trong vai người đi mua đất, khi xe của PV từ Quốc lộ 1A, rẽ đường 11 để vào xã An Viễn, cứ cách đoạn lại có hàng chục người đứng vẫy chào mời mua đất. “Anh có đi xem đất luôn không, em dẫn đi, đất có sẵn từng nền, diện tích bao nhiêu cũng có, giá cực kỳ hấp dẫn. Anh mua đầu tư là rất tốt, vì xã này sát ngay cạnh Tam Phước đã sát nhập vào thành phố (TP.Biên Hoà - PV)”, Thuỷ một người bán đất nói với PV.

Trong những ngày qua, một số chủ đầu tư vẫn tiếp tục đổ về xã An Viễn. Trong khi nhiều người dân, với cơn sốt quay cuồng của đất đai đã phải bán đi những thửa đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, rồi nay - chính họ và con cái của họ lại vào các các khu công nghiệp, nơi mà các doanh nghiệp đa phần của nước ngoài đang đóng trên địa bàn để làm việc.

Những “con đường” đang tiếp tục được mở ra để cho “dự án” phân lô xuất hiện.

Nhiều người còn đau đớn, rớt nước mắt khi nhìn thấy đất đai vốn từng là của mình bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn về nguồn tài nguyên đất đai, trong khi họ lại không còn đất để canh tác, sản xuất, trồng cây… Đó là chưa kể các khoản thất thu khác cho Nhà nước, điển hình nhất là các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai luôn được các cò “định giá” rất thấp so với thực tế giao dịch… để né thuế.

Nhanh như … phân lô bán nền

Chia sẻ với PV, ông N.Đ.H., một người dân ở xã này cho hay: “Những tưởng, khi chúng tôi bán đất xong thì sẽ có người dân nơi khác đến ở, vì họ chia diện tích nhỏ (khoảng 100m2 – 5x20). Thế nhưng, thực tế từ khi tạo ra cơn sốt đất trên địa bàn xã cho đến nay, chẳng có ngôi nhà nào mọc lên. Họ cứ làm đường qua loa, rồi cột điện cứ trồng lên nhưng ai đâu cho nối vào điện Nhà nước, vì đây đâu phải khu dân cư. Một sự lãng phí đất đai ghê gớm, UBND xã biết hết nhưng họ cứ làm ngơ”.

Đi cùng PV là một đồng nghiệp thường trú tại tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Trước dịch COVID, tình trạng ủi làm đường còn đỡ, một số đã bị tạm ngưng, nay sau vài ba tháng quay trở lại, mức độ đã lan rộng hơn rất nhiều”. Quả thực, nhóm của PV đi đến các địa bàn, như: ấp 2, ấp 6, ấp 5… nơi đâu cũng bắt gặp các “dự án” phân lô bán nền.

Những công trình không phép đã bắt đầu mọc lên… nhằm thu hút khách đến mua đất tại khu vực này.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Đảng ủy xã An Viễn (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Trên địa bàn không hề có bất cứ dự án bất động sản hay dự án khu dân cư hay đô thị nào được cấp phép. Thực chất, đây là các thửa đất đứng tên cá nhân, sau đó, họ phân lô bán nền, đặt những cái tên thương mại hết sức mỹ miều và rao bán tràn lan”.

Mức độ phân lô tại xã An Viễn nhanh đến mức… Google Map (vệ tinh) còn cập nhật không kịp. Điển hình như cuối con suối (thuộc ấp 6) là một dự án đã chặt hạ khá nhiều cây cao su, làm đường. Tuy nhiên, PV truy cập trên Google Maps vẫn còn hiển thị khu vực này là rừng cây cao su.

Những lán trại được dựng lên để phục vụ cho việc bán đất.

Làm việc với PV, ông Trịnh Viết Phương, Chủ tịch UBND xã An Viễn thừa nhận tình trạng phân lô bán nền. Trong khi đó, một lãnh đạo Đảng ủy xã An Viễn cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo và có Nghị quyết chuyên đề công tác lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 21/CT-HU ngày 21/5/2018 của Ban Thường vụ huyện uỷ Trảng Bom về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tuy nhiên những sai phạm này là thuộc về chính quyền”.

Ngày 3/6, khi PV trở lại trụ sở UBND xã, phòng ông Phương mở cửa, quạt vẫn quay nhưng ông không có ở đó. Sau khi vào làm việc với lãnh đạo Đảng ủy xã, quay trở ra thì phòng ông Phương đã đóng cửa. Gọi điện không được, PV nhắn tin, liền được phản hồi: “Chiều nay tôi bận họp chi bộ nên đề nghị để lại nội dung làm việc cho bộ phận văn phòng”.

Cuộc điện thoại “lạ” từ người quen

Điều lạ là lần này, khi nhóm PV đang đi tìm hiểu các khu vực phân lô bán nền trên địa bàn xã An Viễn thì có người quen điện thoại cho PV nói, có người liên quan đến các "dự án" ở An Viễn gọi cho họ nhờ can thiệp, gợi ý muốn PV không viết bài nữa.

CHÍ THANH – QUANG HUÂN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ca-xa-bi-bam-nat-de-phan-lo-ban-nen-a541586.html