Điệp khúc trúng thầu sát giá
Theo tài liệu bạn đọc cung cấp, nhiều dự án do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm không đáng kể, chỉ vài triệu đồng cho ngân sách Nhà nước. Đơn cử như tại gói thầu: “Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu bàn ghế cho các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2018”, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng, Vũ Văn Dương đã ký phê duyệt trúng thầu cho Công ty CP ETS Việt Nam với giá 5.159.255.000 đồng theo quyết định số 872/QĐ-SGD&ĐT, ngày 15/8/2019 (giá gói thầu là 5.166.255.000 đồng). Tính ra một gói thầu hơn 5 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được vỏn vẹn 7 triệu đồng.
Cũng trong năm 2019, tại gói thầu “Xây lắp công trình cải tạo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Cốc Bàng, huyện Bảo Lạc”, Công ty TNHH xây dựng Mạnh Quân (địa chỉ tại Cao Bằng) trúng thầu với giá 2.478.117.000 đồng. Giá gói thầu là 2.479.032.000 đồng, tức sau đấu thầu chỉ tiết kiệm được 1 triệu đồng cho đầu tư công, một con số quá ít ỏi.
Tương tự, tại gói thầu “Mua sắm trang thiết bị khu nội trú học sinh, thiết bị nhà hội đồng, thiết bị phòng học cho các cơ sở giáo dục năm học năm 2020”, Công ty TNHH đầu tư và thương mại Sơn Tùng (địa chỉ tại tỉnh Cao Bằng) trúng thầu với giá 7.657.390.000 đồng theo quyết định số 172/QĐ-SGD&ĐT, ngày 6/5/2020. So với giá gói thầu là 7.661.350.000 đồng, chỉ tiết kiệm được 4 triệu đồng.
Vẫn trong năm 2019, Công ty TNHH thương mại xây dựng Đức Quý trúng gói thầu “Thi công trường trung học THPT Trùng Khánh với giá 5.038.709 đồng (giá gói thầu là 5.043.761.000 đồng). Tính ra, gói thầu này có chỉ số tiết kiệm không đáng kể sau đấu thầu (5 triệu đồng).
Những bất thường
Không chỉ có mức tiết kiệm nhỏ giọt, nhiều gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư còn xảy ra tình trạng, doanh nghiệp trúng thầu bằng với giá thầu, đặc biệt lại rơi vào doanh nghiệp quen mặt.
Cụ thể năm 2018 tại gói thầu: “Mua thiết bị nhà hội đồng cho 04 trường THPT”, Công ty TNHH thương mại và đầu tư Sơn Tùng, trúng thầu với giá 1.393.240.000 đồng theo Quyết định số 700/QĐ-SGD&ĐT ngày 27/8/2018. Tại gói thầu này, giá trúng thầu bằng với giá gói thầu và giá dự toán là 1.393.240.000 đồng.
Tại gói thầu “Mua sắm bổ sung thiết bị mầm non năm 2019”, Công ty TNHH Thuận Thành là đơn vị trúng thầu với giá 6.273.098.000 theo quyết định phê duyệt số 39/QĐ-SGD&ĐT ngày 31/1/2020 của Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Đáng nói, con số trên trùng khít hoàn toàn với giá gói thầu và giá dự toán 6.273.098.000, tức là không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách.
Chưa hết, tại gói thầu “Mua trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế cho các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2019”, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An trúng thầu với giá 11.975.278.000 đồng theo quyết định số QĐ số 921/QĐ-SGD&ĐT, ngày 23/8/2019. Gói thầu gần 12 tỷ đồng nhưng điều ngạc nhiên là không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách khi giá trúng thầu bằng với giá gói thầu 11.975.278.000.
Một trường hợp khác cũng hay được nhắc đến là Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà. Cụ thể tại dự án “Mua sắm bổ sung thiết bị phòng học tin học các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông năm học 2018 – 2019”, doanh nghiệp Hải Hà trúng thầu với giá 6.296.070.000 đồng bằng với giá gói thầu. (Quyết định phê duyệt số 503/QĐ-SGD&ĐT ngày 24/07/2018).
Chưa dừng lại, Liên danh Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà và Công ty TNHH Thuận Thành tiếp tục trúng thầu dự án “Mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú học sinh cho các trường tiểu học, trung học cơ sở năm 2019”, với giá 10.440.479.000 đồng, bằng với giá dự toán và giá gói thầu (theo quyết định phê duyệt số 40/QĐ-SGD&ĐT ngày 31/01/2020).
Trước đó, năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng cũng có quyết định phê duyệt số 489/QĐ-SGD&ĐT ngày 06/6/2019 được ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở ký cho Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hải Hà trúng thầu gói “Mua thiết bị phòng học bộ môn cho các trường THPT năm 2019”, với giá trúng thầu bằng giá gói thầu 2.132.916.000 đồng.
Tìm hiểu cho thấy tình trạng trúng thầu bằng giá, tiết kiệm ngân sách cực thấp ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng còn xảy ra tại hàng loạt gói thầu, dự án khác nhau.
Theo quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn quy định chặt chẽ đối với hoạt động đấu thầu là phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan, đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như tiết kiệm tối đa cho nguồn vốn đầu tư. Do đó nếu tình trạng trúng thầu sát giá, bằng giá liên tiếp diễn ra tại một đơn vị, một chủ đầu tư thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, giám sát để loại bỏ chuyện móc ngoặc, bắt tay giữa các bên, làm thất thoát nguồn vốn đầu tư nếu có.
Để có thêm thông tin khách quan, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Ông Dương tiếp nhận nội dung và nói sẽ phản hồi lại sau. Tuy nhiên nhiều ngày trôi qua, khi PV chủ động gọi điện xin lịch làm việc song vị này luôn tìm cách né tránh.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin.
PV/NDT
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/so-gd-dt-cao-bang-nhung-dau-hieu-bat-thuong-tai-nhieu-goi-thau-can-duoc-lam-ro-a541770.html