Các hoạt động du lịch tại Hà Nội đang diễn ra nhộn nhịp trở lại. Ảnh Quang Vinh.
Khai thác lợi thế văn hóa
Theo đó, từ ngày 26/6 đến ngày 28/6, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra chương trình quảng bá điểm đến văn hóa- du lịch Hà Nội năm 2020. Cụ thể, tại phố Đinh Tiên Hoàng sẽ diễn ra hoạt động giới thiệu một số điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thành phố như Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Thăng Long tứ trấn, chùa Hương, chùa Thầy…
Tại phố Lê Thạch sẽ diễn ra Lễ hội kích cầu du lịch với 50 gian hàng của các công ty Lữ hành, khách sạn, hàng không, CLB, Hiệp hội du lịch. Tại khu vực Nhà Bát Giác sẽ tổ chức hoạt động giới thiệu đồ uống không cồn đặc trưng của Hà Nội như: Trà sen Tây Hồ, cà phê Giảng, kem Tràng Tiền, chè hạt sen long nhãn, hoa quả dầm Tô Tịch và các đồ uống giải khát mùa hè… Đặc biệt, vào 17h30, ngày 27/6 tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa đường phố “Hà Nội điểm đến xanh” nhằm giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Hà Nội thông qua trang phục, nghệ thuật trình diễn và đạo cụ, với sự tham gia của gần 4.000 nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa…
Cũng trong dịp này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã lên kế hoạch khai trương không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội, nhằm kết nối không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành một thể thống nhất. Thời gian khai trương dự kiến là ngày 1/7/2020.
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức các không gian ẩm thực mới, như tổ chức lại không gian của Trung tâm thương mại chợ Hàng Da gắn với quảng trường chợ Hàng Da, tuyến phố Tạm Thương-Yên Thái, đình Yên Thái để hình thành không gian trình diễn, biểu diễn, quảng bá ẩm thực Hà Thành; đồng thời phát triển ẩm thực khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua gắn với thương hiệu văn hóa của chợ Đồng Xuân;…
Biến “quen” thành “lạ”
Có thể nói, với việc vẫn chưa thể “mở cửa” đón khách du lịch nước ngoài thì việc kích cầu du lịch nội địa, đặc biệt là Hà Nội đang là lợi thế và cũng là thách thức cho ngành du lịch. Bởi thực tế, những điểm đến Hà Nội với du khách nội địa trước nay vẫn là những điểm đến “thân quen”. Chính vì vậy, để kích cầu nội địa đòi hỏi không chỉ là sự “ngon, bổ, rẻ” mà còn đó là sự hấp dẫn thực sự với du khách.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với du lịch Hà Nội bên cạnh những địa điểm quen thuộc còn đang sở hữu một lợi thế “đặc biệt” là 1.300 làng nghề thủ công truyền thống. Đây không chỉ là cơ hội để khai thác du lịch nội địa mà phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của mình gắn với phát triển du lịch.
Ông Hiếu cũng cho biết, hiện nay làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đang được UBND TP Hà Nội chọn làm mô hình điểm, sau khi hoàn thành, 2 làng nghề này sẽ tạo điểm nhấn cho loại hình du lịch làng nghề Hà Nội phát triển, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. “Bên cạnh việc phát triển du lịch làng nghề, TP Hà Nội còn tập trung vào du lịch văn hóa, vận động doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung vào 2 huyện trọng điểm là Mỹ Đức, Ba Vì - những địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống”- ông Hiếu bày tỏ.
Hiện nay, những người làm du lịch Thủ đô đang cùng nhau nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, không đặt nặng doanh thu, nhằm quảng bá, giới thiệu điểm đến văn hóa, lịch sử, du lịch Hà Nội với thông điệp “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, góp phần kích cầu du lịch nội địa; liên kết du lịch Hà Nội với các địa phương khác.
Hoàng Minh
Hoàng Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-kich-cau-du-lich-a541817.html