Thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại nhờ chiến dịch kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Hàng không với các kịch bản phục hồi
Được ví như “đôi cánh” giúp ngành Du lịch bay cao, hàng không cùng với lữ hành là những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Đến nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã khôi phục toàn bộ số chuyến bay nội địa với hơn 300 chuyến bay mỗi ngày. Trước những tín hiệu khả quan của du lịch nội địa, Vietnam Airlines đưa ra các kịch bản phục hồi đường bay quốc tế trên cơ sở tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như sự cho phép của chính phủ các nước.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho biết: “Hiện nay, hãng đã khai thác các đường bay chở khách từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi Seoul với tổng số 5 chuyến/tuần, dự kiến tăng lên 14 chuyến/tuần từ tháng 7-2020 để chở khách một chiều từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Vietnam Airlines cũng sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... và các nước ASEAN ngay khi Chính phủ cho phép”.
Để chuẩn bị cho các đường bay quốc tế hoạt động trở lại, Vietnam Airlines đã ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay để bảo đảm an toàn cho hành khách cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch. Để phòng dịch, các chuyến bay được phân chia theo 4 mức độ rủi ro từ thấp đến cao và có quy trình phục vụ riêng; lắp đặt thảm tẩm dung dịch diệt khuẩn để hành khách sử dụng trước khi lên máy bay; trang bị đồ bảo hộ y tế cho thành viên tổ bay; phun khử khuẩn máy bay; đơn giản hóa quy trình phục vụ suất ăn, hạn chế tiếp xúc giữa tiếp viên và hành khách; đo thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay...
Về mặt khai thác, lực lượng hơn 100 chiếc máy bay của hãng luôn được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo quy định, sẵn sàng cất cánh trở lại trên các đường bay quốc tế. “Hãng cập nhật thường xuyên về quy định của các nước đối với việc cho phép xuất nhập cảnh, cấp phép bay; phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và lực lượng chức năng các nước trong việc tạo hành lang pháp lý để các hãng hàng không của Việt Nam có thể đi/đến các nước trên cơ sở bảo đảm khả năng phòng, chống dịch”, ông Đặng Anh Tuấn chia sẻ.
Dấu hiệu tích cực từ doanh nghiệp lữ hành
Mặc dù chưa thể mở cửa đón khách quốc tế trở lại nhưng các doanh nghiệp lữ hành vẫn liên tục cập nhật tình hình phòng, chống dịch tại các nước. Bà Vũ Thị Bích Huệ, Trưởng phòng Truyền thông và Marketing Công ty cổ phần Flamingo Redtours cho biết: “Flamingo Redtours cùng các doanh nghiệp lữ hành vẫn cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch cũng như những thay đổi về chính sách ở mỗi quốc gia. Ngoài phục vụ khách nội địa, chúng tôi vẫn chuẩn bị các sản phẩm để sẵn sàng đón khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) hay outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) khi được Chính phủ cho phép. Các sản phẩm hút khách trước đây là tour châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, tour truyền thống Thái Lan, Singapore... luôn có sẵn để phục vụ nhu cầu của du khách ngay khi thị trường mở cửa trở lại”.
Là một trong số ít công ty hiện đã có khách quốc tế đặt tour, ông Nguyễn Văn Tài, CEO Công ty cổ phần du lịch Vietsense cho biết: “Từ cuối tháng 5 đến nay, công ty chúng tôi đã bắt đầu tương tác với các khách hàng có nhu cầu đi du lịch Việt Nam. Một số người có nhu cầu đi du lịch Việt Nam từ trước nên đã liên hệ với chúng tôi qua e-mail hay hệ thống website của công ty để được tư vấn, giới thiệu dịch vụ và đã đặt cọc trước để giữ chỗ. Một số khác vẫn còn tâm lý e ngại về tình hình dịch phức tạp trên thế giới nhưng khi biết Việt Nam chống dịch hiệu quả, họ có phần yên tâm và hứa sẽ xem xét để sớm lên kế hoạch du lịch trong thời gian tới. Ngoài ra, còn một số giao dịch đang ở trạng thái chờ, điều đó cho thấy sự “ấm” lên của thị trường du lịch inbound”.
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là địa điểm ưa thích của du khách quốc tế khi đến Hà Nội (ảnh chụp năm 2019).
Thu hút khách bằng sản phẩm đặc sắc
Nhìn nhận về khả năng mở cửa thị trường khách quốc tế trở lại, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Việc mở thị trường quốc tế phải bảo đảm mục tiêu an toàn, tránh mở ồ ạt một lúc. Phải tính toán rất kỹ xem nên mở thị trường nào, xác định những quốc gia kiểm soát dịch tốt và chọn lọc các đường bay quốc tế đến Việt Nam để vừa thu hút khách vừa kiểm soát dịch bệnh.
“Trong thời gian tới, khi Chính phủ cho phép mở lại đường bay quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ triển khai một loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách đến Việt Nam. Sau dịch Covid-19, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt vì nước nào cũng muốn thu hút khách quốc tế để vực dậy nền kinh tế du lịch. Vì thế, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không... phải liên kết chặt chẽ để tạo ra các sản phẩm đặc sắc, giá thành hợp lý nhưng chất lượng không thay đổi để thu hút du khách”, bà Hương khẳng định.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, với lợi thế hấp dẫn về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người, Việt Nam phải xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên nền tảng văn hóa đặc trưng và mức giá cạnh tranh để du khách quốc tế lựa chọn điểm đến Việt Nam trước khi lựa chọn các quốc gia khác.
“Độ độc đáo của sản phẩm và giá cả là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước. Chúng ta phải chứng minh được rằng số tiền mà du khách bỏ ra hoàn toàn tương xứng với những giá trị mà họ nhận lại. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để xây dựng sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực”, ông Thắng khẳng định.
Nhấn mạnh đến việc cần phải tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn kết hợp với lợi thế là điểm đến an toàn để tăng cường truyền thông đến du khách, CEO Công ty cổ phần du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài nói: “Việt Nam được công nhận là một trong những điểm đến an toàn, đó là lợi thế và là yếu tố cốt lõi trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta phải cho du khách thấy được sự hấp dẫn của sản phẩm để họ chuyển đổi từ mong muốn thành nhu cầu. Nếu không có nhu cầu, du khách sẽ không đi du lịch, vì thế, việc truyền thông sản phẩm cần làm nổi bật các thông điệp đó. Cùng với thông điệp an toàn là sức hấp dẫn của điểm đến, sự ưu việt về giá và sự chuyên nghiệp về dịch vụ sẽ tạo thành một sản phẩm có tính thuyết phục mạnh mẽ để khách quốc tế quyết định đến Việt Nam”.
Mặc dù còn vô vàn thử thách, khó khăn phía trước nhưng sự nỗ lực của các doanh nghiệp cho thấy sức mạnh nội tại, một tinh thần vượt khó bền bỉ. Đó chính là sức bật để ngành Du lịch Việt Nam bứt phá, sớm phục hồi và vươn lên vị thế mới trên bản đồ du lịch thế giới hậu dịch Covid-19.
Theo Tổng cục Du lịch, do tác động của dịch Covid-19, trong quý I, II-2020, khoảng 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động. 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu có thể bắt đầu đón khách quốc tế từ quý III, Việt Nam sẽ đón 6 - 8 triệu lượt khách. Nếu bắt đầu đón khách quốc tế vào quý IV, Việt Nam có thể đón 4 - 4,5 triệu lượt khách.
Linh Tâm
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuan-bi-nguon-luc-de-don-khach-quoc-te-tro-lai-a542202.html