Bài cuối: Cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan

Cơ quan điều tra khởi tố ông Chuẩn về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN nhưng sau đó lại đình chỉ bị can về 1 tội danh khác. Về việc này, VKSND TP.Cần Thơ đã thừa nhận sai sót. Vấn đề đặt ra là tại sao hơn 20 năm trôi qua, các cơ quan tiến hành tố tụng của Cần Thơ vẫn không làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ việc này?

Biết luật sao vẫn phạm luật?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Lê Văn Mãng – Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang cho biết, theo nội dung vụ việc cho thấy, cơ quan điều tra đã dựa vào các sai phạm cáo buộc như nợ công ty lương thực huyện Thốt Nốt 4,3 triệu đồng; nợ ngân hàng 3,7 triệu đồng, nợ thuế đất lúa khoảng 540 kg; nợ thuế đất hợp đồng 2,5 tấn lúa để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam ông Chuẩn.

Tuy nhiên, những sai phạm như trên, ông Chuẩn đã chứng minh cụ thể không mắc sai phạm bằng những chứng từ còn lưu lại. Mặt khác, nguyên thủ kho Chì Hoàng Việt cũng khẳng định, số lúa ông Chuẩn mượn cũng đã trả xong vào thời điểm đó.

Tính đến nay, sự việc của ông Chuẩn đã kéo dài đến 23 năm, gây nhiều thiệt hại về tổn thất tinh thần và kinh tế cho ông Chuẩn. Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thốt Nốt cần phải xem xét, làm rõ đúng quy định pháp luật. Bởi nếu cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội nghĩa là có oan sai. Đồng thời, đối với 1 bị can chưa đưa ra xét xử thì chưa thể kết luận bằng cụm từ “đúng người, đúng tội”, bởi 1 người chỉ bị coi là có tội chỉ bị tòa tuyên án và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Dù nghèo khó, bệnh tật và phải làm thuê để kiếm tiền đi khiếu nại suốt gần 30 năm qua, ông Chuẩn cho biết, ông luôn có niềm tin vào sự công bằng của pháp luật.

Mặt khác, Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng không hề có quy định nào cho phép thời gian điều tra, hoặc gia hạn thời gian điều tra kéo dài 23 năm. Điều này, cơ quan điều tra Công an huyện Thốt Nốt hiểu rõ hơn ai hết nhưng vì sao vẫn vi phạm?

Nếu cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thốt Nốt thực hiện đúng quy định pháp luật bằng cách ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Lê Văn Chuẩn về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1985 thì mới đúng. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thốt Nốt lại ra quyết định đình chỉ đối với bị can Lê Văn Chuẩn về tội Tham ô tài sản XHCN là không đúng với quyết định khởi tố vụ án ban đầu.

23 năm sau, Công an TP.Cần Thơ rút hồ sơ vụ việc của ông Chuẩn để xem xét, tiếp tục xử lý. Ngày 31/3/2014, Phó Thủ trưởng cơ quan ký bản kết luận điều tra vụ án hình sự đối với vụ án Lê Văn Chuẩn về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, và ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với lý do: "Do diễn biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”.

"Thừa nhận sai nhưng vẫn chưa đúng cái sai"

Theo nội dung mà VKSND TP.Cần Thơ báo cáo với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ thì ngày 19/10/2000, Trưởng Công an huyện Thốt Nốt trả lời đơn khiếu nại của ông Chuẩn và cho rằng việc khởi tố, bắt giam bị can đối với ông này là có căn cứ. Đáng lẽ, Công an huyện Thốt Nốt phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, từ tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN sang tội danh Sử dụng trái phép tài sản XHCN thì mới “đúng người, đúng tội”. (VKS báo cáo là tội Sử dụng trái phép tài sản XHCN...nhưng cơ quan công an lại "nhận định" đó là tội Tham ô tài sản XHCN và sau đó ra quyết định đình chỉ bị can về tội này-PV).

Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Mãng cho rằng, nếu Công an huyện Thốt Nốt khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN nhưng sau đó xét thấy việc khởi tố này là sai và ông này phạm tội Tham ô tài sản XHCN thì phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can về tội danh này. Trên thực tế, ngày 2/10/1992, Công an huyện Thốt Nốt ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn về tội Tham ô tài sản XHCN theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1985 trong khi không có quyết định khởi tố ông Chuẩn về tội danh này.

Theo luật sư Mãng, việc đình chỉ điều tra bị can không đúng với tội danh đã khởi tố là sai tố tụng. Bản thân VKSND TP.Cần Thơ không thể không biết điều này. Một công dân bình thường cũng biết rõ 2 tội danh trên hoàn toàn khác nhau. Vậy với chức năng giám sát quá trình điều tra, VKS đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa?

Các giấy tờ liên quan đến vụ án của 30 năm về trước được ông Chuẩn ép nhựa và cất giữ cẩn thận.

Mặt khác, VKSND TP.Cần Thơ tiếp tục cho rằng thời điểm đó ông Chuẩn chỉ bị khởi tố 1 tội nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Về việc này, luật sư Lê Văn Mãng nói: “Nếu là 1 công dân bình thường nhận định như vậy thì tôi không nói làm gì. Đằng này đó lại là quan điểm của 1 cơ quan tiến hành tố tụng. Còn việc đánh giá chuyện khởi tố 1 công dân về 1 tội danh cụ thể có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người đó hay không, chúng tôi xin nhường cho độc giả”!

Có quyền khởi kiện

“Việc cơ quan CSĐT Công an TP.Cần Thơ ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn sau 23 năm đã chứng minh rằng cơ quan CSĐT Công an huyện Thốt Nốt đã khởi tố sai đối tượng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Chuẩn. Ông Chuẩn bị tổn thất về tinh thần và tổn thất về kinh tế nên có quyền khởi kiện cơ quan CSĐT Công an huyện Thốt Nốt để yêu cầu bồi thường những tổn thất trên theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, luật sư Mãng nói.

Thanh Lâm

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bai-cuoi-can-lam-ro-trach-nhiem-cua-nhung-nguoi-lien-quan-a542846.html