Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết đơn vị này đang chuẩn bị cuộc đại phẫu tách rời hai bé song sinh dính liền vùng bụng chậu.
Trước đó, tháng 6/2019, hai bé gái “song thai dính vùng bụng chậu” đã được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh an toàn. Hai bé sơ sinh dính liền vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, một hậu môn...
Hai bé song sinh dính liền vùng bụng chậu.
Gần 100 nhân viên y tế bao gồm hơn 60 y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM, để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết.
"Sẽ là hành trình dài, gian khó và đầy thách thức sau mổ. Hy vọng ca đại phẫu thuật sẽ thành công tốt đẹp và rất mong những lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến bé và gia đình", Zing dẫn lời TS Định.
Tuy nhiên, nhìn lại trước đó thì nền y học Việt Nam cũng đã ghi chép lại nhiều ca song sinh dính liền cũng rất phức tạp.
Tách thành công ca song sinh dính liền tim-gan
Đúng 9h20 ngày 26/11/2013, sau hơn 1 năm chuẩn bị, các bác sĩ BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã đi đường mổ đầu tiên bắt đầu ca phẫu thuật tách rời hai em bé song sinh Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng, 14 tháng tuổi, cân nặng 13 kg (lúc mới sinh 3,4 kg, Ninh Thuận).
Hai bé song sinh Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng bị dính liền tim - gan
Theo báo Pháp luật TP.HCM, sau nhiều giờ đồng hồ tiến hành ca phẫu thuật, đến 12h50, hai bé Long - Phụng đã chính thức được tách riêng biệt, bé Phụng nằm tại chỗ. Bé Long chuyển qua phòng bên cạnh. Hai bé sẽ được hoàn thiện phần tim - gan đã được tách và sau đó sẽ tạo hình thành ngực.
Long có sức khỏe tốt hơn, riêng Phụng do mất toàn bộ xương ức và mất nhiều da nên các bác sĩ phải tạo xương ức nhân tạo và kéo da dần cho bé. Đây là ca mổ tách song sinh dính nhau phức tạp nhất được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Trước đó, khi mang thai, mẹ của hai bé siêu âm và phát hiện con dính nhau nhưng vẫn quyết định giữ con.
Hai bé gái sinh đôi quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng
Năm 2012, hai bé gái sinh đôi quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng, có chung một bộ phận sinh dục được giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Viện Nhi Trung ương trực tiếp mổ tách rời.
Theo VNE, hai bé có các phần dính liền phức tạp, phải nhịn ăn hoàn toàn và chỉ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch song dạ dày của hai bé ngày càng phình to, nguy cơ vỡ rất cao nên bác sĩ phải mổ sớm lúc các cháu mới 4 ngày tuổi.
Phẫu thuật tách rời thành công hai bé sơ sinh 16 ngày tuổi dính liền gan
Năm 2010, hai bé trai sơ sinh 16 ngày tuổi dính nhau một phần lớn ở gan và xương ức quê Bến Tre được các bác sĩ Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công.
Hai bé sơ sinh 16 ngày tuổi dính liền gan
Hai bé dính nhau ở phần bụng và xương ức, gan cũng dính trên diện rộng (12x15cm), hai hệ tĩnh mạch cửa có nhánh thông nhau. Đồng thời, cả hai bé đều bị bệnh tim bẩm sinh, một bé có biểu hiện tím tái. Ngày 12/1 bé này đã bị biến chứng dẫn đến suy tim và phù nên các bác sĩ quyết định mổ sớm.
Ê-kíp phẫu thuật gồm 20 người và do chính Ths.BS Đào Trung Hiếu - PGĐ Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ được tiến hành từ 9h đến 12h trưa. Các bác sĩ đã tách phần gan dính nhau, khống chế các mạch máu nối giữa hai gan, đồng thời tách các phần dính còn lại. Cuối cùng, các bé đã được tái tạo thành bụng từ các cơ.
Hai anh em song sinh dính liền bụng
7h sáng 17/12/2008, tại BV Nhi Trung ương, cặp song sinh dính nhau (hai cháu Cu và Cò) đã được các bác sĩ đưa vào phòng mổ để phẫu thuật. Kíp mổ gồm hơn 20 y, bác sĩ của BV Nhi Trung ương, do PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc BV làm trưởng kíp mổ.
Thông tin trên báo An ninh Thủ đô, hai bé Cu và Cò chào đời tại BV huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ngày 2/12, là con của chị Đàm Thị Chuyên và anh Nguyễn Văn Lợi. Do hai cháu dính nhau phần bụng nên ngay sau khi sinh, gia đình đã chuyển các cháu lên BV Nhi Trung ương.
Các kết quả xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang ban đầu cho thấy, 2 bé có đầy đủ các bộ phận cơ thể, tuy nhiên một cháu (cháu Cu) bị bệnh tim bẩm sinh (chuyển gốc động mạch) và bé Cò còn động mạch nhưng rất nhỏ và bán tắc đường tiêu hóa. Sau 2 tuần nằm viện, cặp song sinh này đã được tiến hành phẫu thuật.
Ca mổ phức tạp nhất của Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương
Ca mổ tách 2 bé gái Cúc - An vào năm 2003 tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng được đánh giá là phức tạp.
Hai bé gái bị dính xương ức, chung khoang màng tim, chung nhau 1 gan, chung tá tràng và ruột non. An lại bị thêm dị tật tim bẩm sinh, Cúc có u máu ở cánh tay và ngực.
Hai chị em Cúc - An từng bị bị dính xương ức, khoang màng tim, gan, tá tràng và ruột non
Báo Tuổi trẻ viết, để đủ da che phủ phần bụng cho hai bé sau khi tách rời, Cúc và An được các bác sĩ đặt một dụng cụ để "nuôi" thêm da. Và để phân biệt hai bé gái giống hệt nhau, bác sĩ phải dán lên trán hai bé băng chữ "Cúc", "An" để phân biệt.
Ngày 17/10/2003, khi Cúc - An được hơn 10 tháng tuổi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương tiến hành ca phẫu thuật tách đôi tại bệnh viện.
Ca mổ kéo dài gần 10 giờ. Các bộ phận bị dính như xương ức, khoang màng tim, gan, tá tràng và ruột non đều được tách thành công.
Gần 17h chiều 17/10/2003, lần đầu tiên sau hơn 10 tháng luôn dính chặt nhau, hai bé được bế ra hai giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới, riêng rẽ, độc lập.
Theo GS Nguyễn Thanh Liêm (khi ấy là Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương) đây là một trong số cặp song sinh dính nhau phức tạp nhất mà ông từng phẫu thuật.
Ca mổ huyền thoại trong lịch sử y học Việt Nam
Một ca mổ huyền thoại đã trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam bởi lần đầu tiên thực hiện mổ tách là cặp song sinh Việt-Đức.
Chào đời ngày 25/2/1981 tại Sa Thầy, Kon Tum, với hình hài khác thường, Nguyễn Việt và Nguyễn Đức dính ở phần bụng, có cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và cân nặng chỉ 2,2 kg.
Năm 1986, Việt bị hội chứng não cấp. Những lần lên cơn co giật, Việt kéo lê người anh em 5 tuổi vốn dính liền cơ thể mình. Không lâu sau đó, Việt hôn mê, sống đời sống thực vật bên cạnh Nguyễn Đức vẫn còn tỉnh táo.
Bác sĩ Trần Đông A, khi ấy là Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) được giao trọng trách trưởng kíp mổ lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Ca đại phẫu năm 1988 thành công sau 15 giờ căng thẳng, thu hút sự quan tâm truyền thông quốc tế. Việt sống thực vật nhưng vẫn ở lại với đời được 19 năm sau mổ với sự chăm sóc của các y bác sĩ Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ.
Nguyễn Đức lớn lên trở thành nhân viên Làng Hòa Bình, lập gia đình và có 2 con sinh đôi xinh xắn là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới qua những ca tương tự đã được công bố.
Lê Lan (T/h)/NDT
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-ca-phau-thuat-song-sinh-dinh-lien-noi-tieng-trong-y-hoc-viet-nam-a542907.html