Gói thầu lớn, tiết kiệm nhỏ giọt
Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/8/2019, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVNSPC ký quyết định số 2528/QĐ-EVNSSPC về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói 6 cung cấp toàn bộ vật tư thiết bị (VTTB) điện, dây dẫn thiết bị 110KV thuộc Công ty cải tạo và thay Máy biến áp từ 2x25MVA bằng 2x40MVA trạm biến áp 110kV Phú Giáo. Theo đó, Công ty cổ phần thương mại và kỹ thuật năng lượng Việt Nam trúng thầu với giá 8.870.000.888 đồng. Được biết giá gói thầu là 8.871.163.537 đồng, tức chỉ tiết kiệm được hơn 1,1 triệu đồng, tương đương với tỉ lệ 0,013% sau đấu thầu.
Tại gói thầu 08 Cung cấp cách điện và phụ kiện đường dây - Công trình: Lộ ra 110kV trạm 220kV Tây Ninh 2, Công ty cổ phần thiết bị điện Sài Gòn đã trúng thầu với giá 4.100.917.209 đồng. Giá gói thầu là 4.101.499.878 đồng, tức tiết kiệm được hơn 500.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,014%, con số quá thấp.
Tương tự, tại nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng khác qua, sau đấu thầu EVNSPC cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 0,4 đến 0,6%.
Quyết định phê duyệt dự toán gói thầu
Cụ thể, tại gói thầu Mua sắm biến điện áp trung thế cho nhu cầu đợt 2 năm 2019 có giá trị 44.455.950.000 đồng, ngày 24/9/2019, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVNSPC đã ký Quyết định số 2896 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Công ty cổ phần thiết bị điện. Giá trúng thầu là 44.275.000.000 đồng, có nghĩa tỉ lệ tiết kiệm qua đấu thầu chỉ 0,4%.
Gói thầu Mua sắm công tơ điện tử 3 pha biểu giá theo thời gian đợt 2 năm 2019 trị giá 44.099.000.000 tỷ đồng của EVNSPC, Công ty cổ phần phát triển kỹ thuật công nghệ EDH đã trúng với giá 43.808.875.000 đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm qua đấu thầu 0,65%.
Gói thầu mua sắm biến dòng điện trung hạ thế cho nhu cầu đợt 2 năm 2019 (1/10/2019) trị giá hơn 41 tỷ đồng, Công ty cổ phần thiết bị điện đã trúng với giá 40.751.821.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,6%.
Tại gói thầu số 10 Thi công xây lắp từ cột T104 đến cột 199 HH có giá 21.069.102.246 đồng, Công ty cổ phần bê tông ly tâm Nha Trang đã trúng thầu với giá 20.944.193.381 đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm 0,59%.
Hiệu chỉnh giá thầu có đúng quy định?
Theo phản ánh, Ban quản lý đấu thầu của EVNSPC đã tổ chức mời thầu công khai, rộng rãi với giá mời thầu ban đầu thấp. Việc này được cho là để hạn chế đơn vị nộp hồ sơ tham gia thầu vì giá mời thầu thấp sẽ tạo cho các đơn vị tham gia có tâm lý lo sợ không có lợi nhuận, không đạt hiệu quả kinh tế khi tham gia nhưng sau đó, một đơn vị trúng thì giá thầu được hiệu chỉnh.
Giá trúng thầu được điều chỉnh cao hơn nhiều tỷ đồng so với giá gói thầu.
Cụ thể tại Gói thầu SPC-KfW3-W7 có tên gọi Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình Trạm 110kV Trà Cú và đường dây 110kV Cầu Kè - Trà Cú - Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) với dự án thành phần 3: Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ khu vực Miền Nam vay vốn ODA của chính phủ Đức với giá trị dự toán gói thầu được phê duyệt là 62.471.707.888 đồng đã bao gồm thuế VAT. Nhưng sau đó được điều chỉnh lên đến hơn 71 tỷ đồng (theo Quyết định số 1099/QĐ-EVN SPC của Tổng công ty Điện lực Miền Nam), tức là tăng hơn 10%..
Theo Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu quy định: Nhà thầu cung cấp dịch vụ phí tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ; b) Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu; c) Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; d) Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu; đ) Có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất; có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá; có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; e) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.”
Luật quy định rõ, trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu và tổ chức đấu thầu lại. Tuy nhiên tại EVNSPC dù gói thầu mức điều chỉnh giá tăng hơn 10% nhưng không tổ chức đấu thầu lại.
Trong gói thầu SPC-KfW3-W4: Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình Đường dây 110kV Long Mỹ - Mỹ Tú. Dự án thành phần 3: Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ khu vực miền Nam vay vốn ODA của chính phủ Đức với giá trị phê duyệt dự toán gói thầu là 21.706.985.041 đồng đã bao gồm thuế VAT. Nhưng sau đó được phê duyệt hiệu chỉnh dự toán gói thầu lên đến hơn 25 tỷ đồng (theo Quyết định số 1097/QĐ-EVN SPC của Tổng công ty Điện lực Miền Nam).
Tại hai gói thầu trên, chỉ có hai đơn vị tham gia Công ty cổ phần bê tông Li Tâm Nha Trang và Công ty cổ phần xây lắp điện Cần Thơ. Hai công ty trên trúng thầu vượt giá so với giá mời thầu được được Ban quản lý đấu thầu đưa ra trước đó trong hồ sơ mời thầu.
Trúng thầu khi bỏ thầu vượt giá dự toán
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần bê tông ly tâm Nha Trang trúng gói thầu W7 (Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình Trạm 110kV Trà Cú và đường dây 110kV Cầu Kè - Trà Cú - Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Gói thầu này có giá dự toán được phê duyệt là 62.471.707.888 đồng đã bao gồm thuế VAT nhưng sau đó được điều chỉnh lên đến hơn 71 tỷ đồng.
Gần đây, ngày 2/1/2020, Tổng giám đốc Nguyễn Phước Đức ký quyết định số 5 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói XL-01-XLMKB: Thi công móng trụ đường dây phía bờ Kiên Bình thuộc công trinh đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Gói thầu này có giá dự toán là 31.651.734.928 đồng nhưng Công ty cổ phần bê tông ly tâm Nha Trang đã trúng thầu với giá 35.405.139.541 đồng.
Như vậy, không dưới 2 lần Công ty cổ phần Bê trong ly tâm Nha Trang bỏ thầu vượt mức giá dự toán nhưng vẫn trúng thầu.
Trước những bất thường trong công tác đấu thầu tại Tổng công ty Điện lực Miền Nam, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra làm rõ.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
PV/SK&PL
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-bat-thuong-can-lam-ro-o-nhieu-goi-thau-tai-tong-cong-ty-dien-luc-mien-nam-a543386.html