Mỹ phát triển chủng mới của virus Corona

Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một chủng mới của virus corona, có thể được dùng để tạo lây nhiễm chủ động ở các tình nguyện viên gọi là “human challenge” (HCT).

Đây là phương thức nhanh để kiểm tra liệu một loại thuốc hay vaccine có hoạt động hiệu quả hay không bằng cách chủ động đưa virus vào cơ thể tình nguyện viên như đã thực hiện với các bệnh cúm, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết và tả.

Theo Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ (NIAID), công trình nghiên cứu trên đang ở giai đoạn đầu và chính phủ đang ưu tiên việc chọn ngẫu nhiên các xét nghiệm lâm sàng của các “ứng cử viên” vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Một số vaccine đã bước vào giai đoạn cuối của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có vaccine của các công ty dược phẩm Moderna, Pfizer và AstraZeneca.

Dư luận Mỹ đang chia rẽ với công trình nghiên cứu này. NIAID cho biết có thể đưa ra quyết định vào cuối năm nay, khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối bắt đầu cho kết quả.

Trong một diễn biến khác, một nghiên cứu tại thị trấn Kupferzell, bang Baden - Wuerttemberg, miền Nam nước Đức, vốn là một điểm nóng Covid-19, cho thấy 7,7% người dân địa phương có kháng thể chống virus SARS-CoV-2. 

Trong khi đó, Hãng tin Interfax dẫn nguồn Bộ Y tế Nga cho biết nước này đã bắt đầu sản xuất vaccine mới phòng ngừa bệnh Covid-19  do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaley phát triển. Trước đó, ngày 11-8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa bệnh Covid-19. 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/my-phat-trien-chung-moi-cua-virus-corona-a543770.html