Ký ức sống động về ngày độc lập 2/9/1945

Hàng trăm hiện vật, tư liệu hình ảnh trưng bày chuyên đề “Ngày độc lập 2/9”, khai mạc sáng 18/8, được chắt lọc từ gần hai nghìn tư liệu lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chị Trần Thu Hà, Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia kể, trong hơn hai nghìn rưỡi hiện vật và tài liệu quý lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có khoảng 1,8 nghìn hiện vật về Cách mạng Tháng 8 và Ngày độc lập 2/9/1945. Riêng việc chọn lựa để trưng bày cũng ngốn không ít thời gian. Dịp này bảo tàng chủ trương đem ra hiện vật gốc tiêu biểu, làm nổi bật không khí Cách mạng Tháng 8 và Ngày 2/9.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp chính phủ đầu tiên ngày 3/9  -  Ảnh tư liệu

“Sức mạnh dân tộc” là chủ đề đầu tiên, tập trung tái hiện khí thế sôi sục của những ngày tiền Cách mạng Tháng 8. Nhóm hiện vật quý hiếm có thể kể tới Tuyên ngôn của Việt Nam Độc lập đồng minh, Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 12/3/1945; bản trích “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trích “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1945.

Báo chí, truyền đơn được trưng bày lần này không chỉ được lựa chọn theo mốc thời gian. Người thực hiện phải đọc, lựa chọn từng tờ truyền đơn, tờ báo. Báo Cứu quốc, Khởi nghĩa đăng tải nhiều thông tin về các hội cứu quốc tìm cách quyên tiền cho quỹ mua súng của Việt Minh, cập nhật phong trào kháng Nhật cứu nước để tiến tới tổng khởi nghĩa ở khắp các tỉnh phía Bắc.

Sưu tập vũ khí gồm súng kíp, dao găm, mã tấu, gậy tầm vông, giáo mác... là những thứ được nhân dân sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8 năm 1945. Đó là con dao ông Nguyễn Văn Tùng ở Vĩnh Yên dùng bảo vệ đồng chí Hoàng Văn Thụ năm 1941. Mã tấu thanh niên xã Bách Lộc (Phú Thọ) dùng tham gia bảo vệ chính quyền ở địa phương vào tháng 8/1945. Chiếc kèn gắn với sự kiện ông Bùi Hoành Chử, mục sư hội giáo Tin lành dùng để tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây năm 1945.

Những lá cờ cách mạng của Mặt trận Việt Minh chính là biểu tượng để hiệu triệu nhân dân đứng lên giành chính quyền. Mỗi lá cờ trưng bày đều mang dấu ấn lịch sử: Cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào trước tổng khởi nghĩa. Cờ Đội Việt Nam Giải phóng quân dùng trong ngày tiến quân về đánh chiếm tỉnh lị Thái Nguyên ngày 20/8/1945. Lá cờ treo trên tường chính là cờ Việt kiều Paris (Pháp) treo trong mít tinh mừng Việt Nam độc lập vào tháng 9.


Góc kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Ngày Ðộc lập 2/9 - Ảnh: Kỳ Sơn 

Bộ quần áo kaki và chiếc micro

Trưng bày lần này có hàng chục tư liệu và hiện vật tập trung thể hiện tinh thần Ngày độc lập: Tuyên bố của phái đoàn chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế ngày 30/8, chiếu thoái vị của vua Bảo Đại để chuẩn bị cho ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của nhà tư sản Trịnh Văn Bô đi vào lịch sử. Chiếc bàn Bác Hồ ngồi viết Bản Tuyên ngôn Độc lập không thể thiếu trong góc tái hiện này. Bộ quần áo kaki và chiếc micro là hai hiện vật gắn liền với Hồ Chủ tịch và những ngày tháng 9 lịch sử.

Bộ quần áo kaki Hồ Chủ tịch mặc trong lễ tuyên ngôn độc lập cũng là câu chuyện thú vị. Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bộ quần áo màu vàng nhạt được đặt may trong thời gian Bác ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô kể lại trong hồ sơ rằng, khi từ chiến khu về Hà Nội Bác chỉ mặc chiếc áo nâu, quần soóc và đeo chiếc túi dết bạc màu, nên chính bà đề nghị Bác và các vị chủ chốt cần có bộ quần áo trang trọng để ra mắt quốc dân đồng bào. Bộ quần áo kaki này do ông chủ hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống may đo từ bộ quần áo có sẵn của ông Trịnh Văn Bô.

Bác đã mặc bộ quần áo này khi tham gia nhiều sự kiện quan trọng sau Cách mạng Tháng 8. “Bộ quần áo cũ, bạc màu, trên cổ áo có chỗ bị sờn rách sau đó được Người mặc ở nhiều sự kiện: chủ trì một cuộc họp của Chính phủ tháng 11/1946, đi nước ngoài, gặp Việt kiều tại Pháp. Bộ quần áo được đưa về bảo tàng năm 1948 và đến năm 2008 Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã gặp bà Minh Hồ để bà xác minh rõ về bộ quần áo này”, chị Thu Hà kể.

Chiếc micro trưng bày được giới thiệu là gắn với sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Tuy thế, theo những người thực hiện trưng bày thì chỉ còn chiếc chân đế là nguyên bản. Chiếc micro Bác đọc Tuyên ngôn tại Quảng trường đã thất lạc, tuy thế chiếc micro được gắn vào chân đế này cũng được Bác sử dụng đọc Tuyên ngôn trên sóng phát thanh VOV.

“Trưng bày để lại cho chúng ta cảm xúc mạnh mẽ, giúp ta nhìn lại quá khứ để hiểu rõ hiện tại. Chúng ta sẽ không ngừng đặt câu hỏi tại sao từ một quốc gia nô lệ lại trở thành quốc gia độc lập, làm sao người dân mù chữ, thiếu ăn và vừa qua nạn đói lại cùng những người lãnh đạo làm nên sự nghiệp lớn”, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá.

Lần đầu tiên bảo tàng trưng bày hai cuốn sổ tay ghi chép công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 2/9/1945 đến 17/10/1945. Một loạt hiện vật về nước Việt Nam độc lập: Tem bưu chính: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sử dụng con tem do chính quyền thuộc địa Pháp ở Ðông Dương phát hành bằng cách in đè lên con tem dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðộc lập Tự do Hạnh phúc. Bưu chính 30 xu, lưu hành năm 1945”. Chiếc hòm phiếu dùng trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nhân dân Quảng Bình. Bài Tiến quân ca-Quốc ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944, bản viết tay năm 1994 có chữ ký của tác giả tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ky-uc-song-dong-ve-ngay-doc-lap-2-9-1945-a543840.html