Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Nam Phi, phát biểu tại thủ đô Nairobi của Kenya, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti nêu rõ trước khi quyết định mở cửa lại trường học và các cơ sở giáo dục, lực lượng chức năng sở tại cần phải thực hiện quá trình phân tích rủi ro nhằm đưa ra những biện pháp phòng dịch tốt nhất cho học sinh, giáo viên cũng như phụ huynh.
Nhận định về thời điểm thích hợp để mở cửa lại trường học, người đứng đầu WHO tại châu Phi cho rằng chỉ các quốc gia đã thực hiện nới lỏng phong tỏa và giãn cách xã hội nhưng không ghi nhận sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 mới nên tính toán đến kế hoạch cho học sinh đến trường.
Một trường học đóng cửa do dịch COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi ngày 1/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kết quả khảo sát do WHO vừa thực hiện, trong số 39 quốc gia thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara, 6 nước đã nối lại hoàn toàn các hoạt động giáo dục, 16 nước vẫn cho học sinh nghỉ học và 19 nước thực hiện việc mở cửa lại một phần các cơ sở giáo dục để tạo điều kiện cho học sinh cuối cấp thực hiện việc thi cử. Bên cạnh đó, 10 quốc gia khác cũng đang lên kế hoạch mở cửa lại trường học vào tháng 9 tới.
Trong khi đó, theo nội dung một cuộc khảo sát do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện mới đây, thời gian nghỉ học càng kéo dài, càng nhiều trẻ em châu Phi có thể trở thành nạn nhân của đói khát, suy dinh dưỡng và xâm hại tình dục. UNICEF cho biết ít nhất 10 triệu trẻ em tại khu vực Tây Phi và Nam Phi đã không được tiếp cận với những bữa ăn miễn phí tại trường trong suốt thời gian nghỉ học vừa qua.
Trong một diễn biến liên quan, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 20/8 cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trung bình theo ngày tại châu lục này đã giảm trong tuần qua. Cụ thể, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết số ca mắc trung bình theo ngày trên toàn châu Phi là 10.300 ca, giảm so với con số 11.000 ca tuần trước đó.
Tính đến sáng 20/8, châu Phi ghi nhận tổng cộng 1.147.369 ca mắc. Trong đó, Nam Phi chiếm khoảng 50% số ca và hiện là nước có tổng số ca mắc cao thứ 5 tính trên toàn cầu, với 596.060 ca mắc và 12.423 ca tử vong. Số ca được xác nhận trong ngày tại Nam Phi giảm so với mức đỉnh hơn 12.000 ca xuống trung bình 5.000 ca, kéo theo số ca mắc trung bình theo ngày của toàn châu lục đi xuống.
Trong khi đó, ông Nkengasong lưu ý các nước tại Tây và Trung Phi hiện cũng cho thấy những xu hướng tương tự. CDC châu Phi cũng như giới chức nhiều nước bày tỏ lạc quan về cuộc chiến chống COVID-19 song duy trì thận trọng trong công tác phòng ngừa đại dịch.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/who-yeu-cau-cac-nuoc-chau-phi-can-trong-truoc-khi-mo-cua-lai-truong-hoc-a543907.html