Đề nghị điều tra thư nặc danh nói xấu hàng loạt trường đại học ở Đà Nẵng

Nội dung của các thư nặc danh này có tính chất “nâng trường này, hạ trường khác”, tự cho các trường đại học “điểm cộng, điểm trừ” nhằm gây bất lợi cho một số trường trong công tác tuyển sinh.

“Dìm hàng” nhiều trường đại học

Thời gian gần đây, nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn TP.Đà Nẵng nhận được bưu phẩm là cẩm nang giới thiệu thực trạng về 8 trường đại học tại TP.Đà Nẵng gồm Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT. Các tài liệu này tập trung vào việc nêu những hạn chế, nhưng thực chất là các “điểm trừ” nhằm định hướng cho học sinh đăng ký vào học các trường đại học.

Theo tài liệu gửi kèm, các trường công lập trên địa bàn có rất nhiều “điểm trừ”. Trong đó, sinh viên trường đại học Bách Khoa hầu hết thụ động, học lý thuyết nhiều nên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường, học phí vào loại cao nhất miền Trung...

"Điểm cộng, điểm trừ"" của các trường đại học được gửi đến phụ huynh, học sinh.

Đại học Kinh tế, sau năm 2017, đã xin được tự chủ tài chính nhưng đẩy học phí lên cao. Một thời gian dài, báo chí đã lên tiếng dữ dội. Nhưng, nhờ đó mà trường có tài chính dồi dào để trả lương và nâng cao đời sống cán bộ. Học phí khá cao, nhiều phụ phí, chất lượng đào tạo chưa tương xứng.

Đại học Ngoại ngữ, cơ chế công lập nên không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, ít thực hành.
Đại học Sư phạm chuyên môn giảng dạy khá thấp vì nâng cấp từ hệ Cao đẳng lên, cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm cả nước thấp.

Bệnh cạnh đó, khối trường tư thục, cũng được nêu hàng loạt “điểm xấu”. Đại học Kiến trúc được cho lập lờ tên gọi, thực tế là trường tư nhưng được hiểu là công lập khiến nhiều người lầm và điều này đã làm lợi cho trường.

Các thông tin mang tính định hướng cho phụ huynh, học sinh

Đại học FPT được xác định điểm trừ là học phí quá cao so với kinh tế của miền Trung, và ngoài ra có rất nhiều khoản phụ phí khác. Sinh viên phải học đến 6 level tiếng Anh, không qua level nào phải nộp tiền học lại dẫn đến sinh viên bỏ học nhiều vì cách tính điểm lên lớp bằng ngoại ngữ. 95% sinh viên ra trường có việc làm nhưng số sinh viên bắt Internet dạo hay tiếp thị điện thoại chưa được thống kê.

Đại học Đông Á nâng cấp lên từ trường cao đẳng, chất lượng đào tạo thấp, nhiều điều tiếng trong những năm gần đây.
Riêng trường đại học Duy Tân thì được giới thiệu là học hơi căng, không lo học là bị thi lại ngay; trường nổi tiếng vì sự hà khắc của giảng viên trong việc đảm bảo các chuẩn đầu ra về học thuật, ngoại ngữ và tin học...

"Cạnh tranh không lành mạnh"

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, PSG.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, khá bất ngờ khi biết cẩm nang giới thiệu các trường đại học theo kiểu như trên. Sau khi đọc, ông nhận thấy, các tài liệu này chủ yếu “dìm hàng”, nhằm đưa thông tin sai lệch, chưa chính xác để hạ uy tín các trường đại học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường đại học FPT cho rằng, qua các tài liệu có thể nhận thấy, có sự cạnh tranh không lành mạnh. Ở đây, bưu phẩm gửi đến cho phụ huynh, học sinh là nặc danh. Yếu tố không rõ nguồn gốc người gửi thể hiện người gửi có ý đồ nhất định. Người học cần cảnh giác trước những thông tin thiếu chính xác.

Ông Tùng cũng cho rằng, ngành giáo dục không chỉ là đào tạo kiến thức mà còn dạy làm người. Do đó, các đơn vị tuyển sinh cần cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và khách quan, không nên “dìm” đơn vị này để “nâng” đơn vị khác để thu hút người học.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT trường đại học Đông Á nhận thấy, cẩm nang giới thiệu tuyển sinh nhắc đến 8 trường nhưng có 7 trường bị bôi nhọ. “Việc gởi thư nặc danh với nội dung bôi nhọ không căn cứ này lại nhắm vào 7 trường đại học công, tư tại TP.Đà Nẵng, nơi mà tất cả thầy cô, sinh viên, chính quyền các cấp và xã hội từng ngày dày công xây đắp. Việc làm này cũng đi ngược lại các bộ luật mà Quốc hội Việt Nam chúng ta ra sức xây dựng”.

Vị này nói thêm: “Vì thế, các cơ quan quản lý chậm vào cuộc sẽ càng dẫn tới hệ luỵ lớn cho xã hội. Hôm nay, họ bôi nhọ 7 trường ở miền Trung, có thể năm sau sẽ gửi thư nặc danh ở quy mô trong cả nước, và còn nhiều điều xấu khác có thể xảy ra với bất kỳ trường nào. Làm cho tất cả các trường còn lại mang tiếng cạnh tranh, làm hoài nghi vào giáo dục, vào nền tảng đạo đức, làm tăng thêm sự chia rẽ trong giáo dục, ảnh hưởng đến giáo dục Việt Nam dưới con mắt của giáo dục thế giới...”.

Sai lệch, cần xác minh, xử lý

Liên quan đến vấn đề này, PSG.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc đại học Đà Nẵng cho biết, vừa có đơn gửi phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP.Đà Nẵng đề nghị xử lý thư nặc danh nêu thông tin sai lệch về đào tạo và tuyển sinh của các trường đại học trên địa bàn.

Theo đó, vừa qua, nhiều phụ huynh, học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn TP.Đà Nẵng và một số địa phương khác nhận được các tài liệu nặc danh, không rõ nguồn gốc với thông tin không đầy đủ, không khách quan và thiếu trung thực liên quan đến công tác đào tạo của các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng, trong đó có các trường đại học thành viên của đại học Đà Nẵng.

"Nội dung của các thư nặc danh này có tính chất “nâng trường này, hạ trường khác”, tự cho các trường đại học “điểm cộng, điểm trừ” nhằm gây bất lợi cho một số trường trong công tác tuyển sinh", vị này xác định.
Cũng theo ông Bắc, những nội dung của các thư nặc danh này đã gây tâm lý hoang mang đối với các bậc phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào đại học giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn đối với một số trường đại học trên địa bàn thành phố trong mùa tuyển sinh năm nay.
Nhiều cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên… đã lên tiếng phản đối, thể hiện sự không đồng tình với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này trong giáo dục.
“Để giúp cho thí sinh và phụ huynh có được thông tin rõ ràng, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin không minh bạch, góp phần làm lành mạnh môi trường giáo dục, tạo điều kiện để các trường đại học tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đại học Đà Nẵng đề nghị Công an TP.Đà Nẵng tiến hành các bước xác minh, xử lý việc phát tán các đơn thư nặc danh theo quy định của pháp luật”, ông Bắc thông tin.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/de-nghi-dieu-tra-thu-nac-danh-noi-xau-hang-loat-truong-dai-hoc-o-da-nang-a544065.html