Mong mỏi từng ngày
Mùa Xuân năm 2018, Trần Quang Sơn đặt chân đến Guinea Xích Đạo theo hợp đồng lao động 28 tháng với một công ty xây dựng ở Hà Nội. Thời điểm đó, anh nằm trong số 219 công nhân của 3 nhà thầu phụ Việt Nam sang xây dựng tại dự án Nhà máy Thủy điện Sendje (tỉnh Littorial). Đa số lao động Việt đều là người tỉnh lẻ ở Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…, phụ trách các công việc tại công trình như hàn, đổ bê-tông, lắp giàn giáo, xây dựng.
Giữa tháng 3/2020, dịch Covid-19 ập đến Guinea Xích Đạo. Nước này thông báo ca nhiễm đầu tiên vào ngày 14/3, khi một phụ nữ 42 tuổi quay về từ thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Đến giữa tháng Sáu, Sơn và nhiều công nhân làm cùng đều cảm thấy mất mùi, mất vị giác và khó thở. “Lúc đó, mọi người đều nghĩ là do thời tiết chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa ở Guinea Xích Đạo nên không đề phòng”, Sơn nói.
Những lao động Việt như Sơn vẫn phải làm việc tại công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Sendje khi dịch bùng phát.
Đầu tháng Bảy, khi tình hình dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn, số người có triệu chứng nhiễm Covid-19 ngày càng nhiều, tất cả công nhân tại công trình đều được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 8/7, nhận được kết quả âm tính, Sơn thở phào nhẹ nhõm. Anh cho biết, những người nhiễm đều được đưa đi cách ly tại bệnh viện La Paz ở thành phố Bata.
“Trước đó, công nhân Việt Nam đã chủ động yêu cầu chủ đầu tư ngưng tiếp nhận những người bản địa vào làm việc tại công trường. Người bản địa được thuê để lái xe chở đá, nấu cơm trong khu ký túc xá nên rất dễ lây nhiễm mầm bệnh. Tuy nhiên, tất cả đều bị phớt lờ. Và điều tồi tệ hơn đã xảy ra, toàn công trường khi đó đã có gần 1.000 người dương tính, trong đó, số công nhân Việt Nam được xác định dương tính Covid-19 là 116 người”, Sơn cho hay.
Khi chuẩn bị đi lao động, Sơn đi vay 20 triệu đồng. Ngày 28 hàng tháng, công ty ở Việt Nam trả lương vào số tài khoản ngân hàng cho gia đình nhận. Thu nhập tháng đầu tiên, anh đã có thể trả được nợ.
Được sắp xếp ở chung phòng với 3 công nhân khác, anh nói, kể từ ngày đặt chân sang Guinea Xích Đạo, ngày nào cũng gọi điện thoại về cho gia đình. “Thời điểm dịch, tôi luôn cố gắng nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ. Biết chưa thể về ngay, mọi người luôn động viên giữ gìn sức khỏe”, anh kể.
Sân bay Bata chiều tối 28/7, các công nhân lên máy bay trở về Việt Nam.
Hoàn cảnh khi đó, Sơn và những công nhân khác chỉ có một mong ước là được trở về quê nhà. Bởi đó là nơi an toàn nhất cho tính mạng và sức khỏe. Anh cho hay, một số công nhân hết hạn lao động từ vài tháng trước nhưng bị kẹt lại do tình hình dịch ở châu Phi ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nếu không có biến cố xảy ra, hợp đồng kết thúc vào ngày 5/2/2021, anh sẽ trở về Việt Nam.
Dịch bệnh là vậy nhưng những người không nhiễm bệnh vẫn phải ra công trình làm việc. Đó cũng là lúc, mong ước của họ được phản hồi khi Chính phủ sẽ có chuyến bay đưa lao động ở Guinea Xích Đạo về nước ngay tức thời.
“Vào khoảng 13 giờ ngày 10/7, khi chuẩn bị ra công trình thì chúng tôi đọc được tin sẽ có chuyến bay từ Việt Nam sang đưa công nhân về nước. Một người đọc, mấy chục người chăm chú lắng nghe. Nghe xong chỉ biết ùa lên vỗ vai nhau, có người rưng rưng nước mắt, cảm giác lúc đó tuyệt vời và hạnh phúc lắm. Chúng tôi biết, Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi mình”, Sơn nghẹn ngào nói.
Vừa đặt chân xuống mảnh đất hình chữ S thân thuộc, chúng tôi ai cũng hô vang câu nói “Sống rồi anh em ơi!”. Lúc đó, tôi mới cảm nhận sự ấm áp, hạnh phúc tột cùng, rằng là mình đã sống, đã được về nhà - Sơn nói
Mẹ con chỉ đứng nhìn nhau, rơi nước mắt
Hành lý ngày trở về Việt Nam của Sơn chỉ là vài bộ quần áo, một chiếc điện thoại không sim và bộ đồ bảo hộ màu xanh. Cả đoàn có 3 tiếng hoàn tất thủ tục và lên máy bay quay lại Nội Bài. Nhưng máy bay trễ giờ khởi hành do phải đợi tiếp nhiên liệu.
Ngồi trên khoang dành riêng cho những công nhân may mắn âm tính với Covid-19, Sơn nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ trên chiếc ghế bọc nilon. “Với tôi, đó là giấc ngủ yên bình nhất sau quãng thời gian dài sống trong sự lo lắng, cùng nỗi mong mỏi được sớm trở về quê hương”, Sơn nói.
Trên chuyến bay đó, tất cả mọi người đều nhận được những lời động viên ấm áp vang trên loa từ các bác sĩ: “Chúng ta còn khoảng 1 tiếng nữa là về tới đất mẹ. Các anh cố gắng nhé!”. 15h30 ngày 29/7, chuyến bay đáp xuống sân bay Nội Bài. Xe ô tô chuyên dụng nhanh chóng đưa các công nhân thẳng từ sân bay về khu cách ly y tế.
Thời gian cách ly tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội), Sơn bị sốt sét thể ác tính. Vì vậy, thời gian cách ly kéo dài thêm 4 ngày. Ngày 17/8, anh xuất viện, được hướng dẫn tự cách ly thêm 14 ngày tại nhà. Công ty cũng hỗ trợ xe đưa anh về Hòa Bình.
Trước khi về, Sơn dặn mẹ thuê sẵn một căn nhà nhỏ để tiện cho việc cách ly. “Về đến nơi, tôi đi thẳng về nhà đã thuê rồi tự cách ly một mình. Ngày đầu tiên, mẹ mua sẵn cho nửa con vịt nướng, tối đến lại mua cho nửa con gà. Hai mẹ con gặp chỉ nhìn nhau, đứng cách nhau 2m. Mẹ nhìn tôi rồi cứ khóc mãi. Tôi để giấy tờ tuỳ thân ra ngoài rồi bảo mẹ nhanh chóng khai báo y tế cho chính quyền địa phương. Hàng ngày, mẹ tôi mang sẵn đồ ăn rồi treo ngoài cửa, gõ cốc cốc rồi tự động đi ra xa”, Sơn nghẹn ngào nói.
Anh chia sẻ, khi hết cách ly, anh sẽ quây quần cùng gia đình bên mâm cơm , rồi ôm bố mẹ, anh chị và các con vào lòng sau gần 2 năm xa quê. Sau đó, anh sẽ quay lại Hà Nội lấy hộ chiếu và hai tháng lương công ty chưa thanh toán, rồi tính tiếp công việc sau này…
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghen-ngao-khoang-lang-2-met-cua-cong-nhan-viet-tu-guinea-xich-dao-ve-nha-a544101.html