Tiết kiệm là điều ai cũng muốn song không phải ai cũng làm được. Nhiều người có thể vanh vách đọc các phương pháp tiết kiệm như một cái máy nhưng lại chẳng thể áp dụng vào cuộc sống của mình và lấy lý do "không phù hợp".
Tôi từng đầu hàng khi nói đến vấn đề tiết kiệm và cho rằng mình cũng không có quá nhiều tiền để phải quan tâm nhiều đến việc này. Tuy nhiên từ ngày nhà có thêm thành viên mới, cách sắp xếp, làm việc khoa học của em dâu đã khiến tôi phải có cái nhìn khác đi.
Tôi nhận ra tiết kiệm hoá ra không khó như mình vẫn tưởng. Chúng ta cũng không cần ép bản thân làm những việc khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Hãy chi tiêu hợp lý và biến nó thành lối sống của mình. Dưới đây là 4 mẹo "nhỏ mà có võ" tôi học được từ em dâu và áp dụng thành công, giúp tiền ăn hàng tháng giảm được 1/3.
Lên kế hoạch tuần
Thay đổi đầu tiên của tôi chính là lên kế hoạch trước cho thực đơn tuần tới. Thay vì mỗi ngày phải suy nghĩ xem hôm nay ăn gì, tôi học theo cách của em dâu, lập thực đơn trước cho tất cả các bữa của tuần tới.
Ban đầu, bạn có thể gặp chút khó khăn khi lên kế hoạch song mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn khi bạn đã quen. Bạn cũng có thể tìm kiếm trên internet và tham khảo các mẫu thực đơn. Hiện tại, tôi chỉ cần 5 phút vào cuối mỗi tuần là có thể lên thực đơn cho cả tuần sau.
Lên trước thực đơn tuần sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian cho việc nghĩ ngợi và đưa ra quyết định hôm nay ăn gì. Không chỉ vậy, việc này còn giúp bạn tận dụng tốt hơn các nguồn thực phẩm, tránh trường hợp mua nguyên liệu cho một món rồi không biết làm gì tiếp và để hỏng nguyên liệu.
Sau khi lên thực đơn theo tuần, bạn có thể thống kê lại các nguyên liệu cần mua để không phát sinh việc đang nấu thì thiếu nguyên liệu, phải chạy đi mua khiến lãng phí thời gian. Một khi đã lên thực đơn, hãy bám sát nó khi đi mua đồ.
Lưu ý khi mua sắm
Giờ thì bạn đã có danh sách những đồ cần thiết phải mua rồi đúng không? Mẹo nhỏ tôi học được chính là không bao giờ để bụng đói khi đi siêu thị. Tôi từng sống theo kiểu hứng lên là đi mua đồ, lang thang trong siêu thị và nhặt trong vô thức với suy nghĩ, "kiểu gì cũng có lúc dùng đến". Việc này sẽ khiến bạn có thể tốn tiền cho những thứ không thực sự cần thiết, không kiểm soát được chi tiêu. Một chiếc bụng đói cũng sẽ khiến bạn khó bám sát danh sách mình cần mua và tiện tay nhặt vài thứ - thường là đồ ăn vặt không tốt cho sức khoẻ.
Nếu bạn cần mua ít đồ, tin tôi đi, hãy lấy một chiếc giỏ nhựa cầm tay thay vì dùng cả chiếc xe đẩy lớn. Càng mang xe đẩy to, bạn sẽ càng có tâm lý phải lấp chúng nhanh đầy.
Ở siêu thị, các mặt hàng cần đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ thường được xếp ở vị trí dễ nhìn, ngay tầm tay. Vì thế, hãy hoạt động một chút, cúi người xem các sản phẩm dưới kệ thấp hay với tay để xem đâu là sản phẩm kinh tế hơn.
Hạn chế ăn hàng
Vì sự bận rộn mà nhiều người coi chuyện ăn hàng là điều hết sức bình thường. Khoan nói đến số tiền bỏ ra để ăn hàng (chắc chắn tốn hơn nhiều so với việc tự chế biến), các món ăn ở đó thường nhiều dầu mỡ hơn, không rõ nguồn gốc, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Khi đã lên kế hoạch trước thực đơn từng bữa và có đủ nguyên liệu, việc nấu ăn ở nhà sẽ không tốn quá nhiều thời gian của bạn.
Khi tự nấu ăn, bạn có thể cho lũ trẻ tham gia vào cùng. Lũ trẻ nhà tôi luôn hào hứng với việc được giúp đỡ mẹ. Thời gian nấu nướng cũng sẽ trở nên tuyệt vời hơn, bạn có thể dạy cho con về các loại thực phẩm, màu sắc hay hình dạng, mùi vị.
Đừng quá khuôn mẫu với các công thức nấu ăn. Bạn có thể sáng tạo nên những món ăn mới để phù hợp với khẩu vị của gia đình mình. Những mẩu củ quả thừa có thể khiến món canh thêm ngọt nước hay bữa ăn có thể giải ngấy bằng món dưa chua làm từ chút cải bắp, cà rốt còn thừa. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền thực phẩm.
Tự trồng rau, gia vị
Chỉ một góc ban công là bạn đã có thể tự trồng các loại rau hay gia vị. Đừng nghĩ phải ở đất rộng như ở quê mới có thể trồng rau. Bạn hoàn toàn có thể cùng con tạo nên khu vườn nhỏ của riêng mình.
Các hạt giống có giá rất rẻ và hướng dẫn trồng, chăm sóc cây cũng rất sẵn trên mạng internet. Bạn có thể trồng các rau gia vị mà gia đình hay ăn như hành, tía tô, mùi... hay các loại rau dễ trồng như mùng tơi, đỗ quả, cà chua, rau mầm...
Gia đình tôi thường hay ăn rau sống mà mua ngoài chợ thì lo lắng về độ an toàn, mua trong siêu thị lại quá đắt đỏ. Từ ngày tự trồng xà lách, thơm, mùi, gia đình tôi có nguồn rau sạch mà lại không tốn kém, lũ trẻ thì luôn hào hứng được giúp mẹ tưới cây.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hoc-theo-4-meo-cua-em-dau-toi-tiet-kiem-duoc-1-3-tien-thuc-an-moi-thang-a544272.html