Báo động thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ở Việt Nam

Theo số liệu thống kê, số trẻ em bị xâm hại trong thời gian gần đây tăng đột biến. Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

Mỗi ngày trung bình có 7 trẻ bị xâm hại

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, mỗi 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân, 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình. Độ tuổi của nạn nhân đang giảm dần, từ 13-18 tuổi nay có cả những vụ mà nạn nhân chỉ từ 5-13 tuổi.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý nữa là, có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện.

Ngoài ra, còn rất nhiều hành vi xâm hại trẻ em nhưng chưa bị phát hiện, xử lý do các đối tượng thực hiện các hành vi này ở những địa bàn, địa điểm vắng vẻ, biệt lập, lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả,… nên việc thu thập thông tin, điều tra của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp ngăn chặn hiệu quả nạn xâm hại tình dục ở trẻ em?

Liên quan đến các giải pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và kết hợp giữa gia đình và nhà trường đối với các em. 

Đối với gia đình, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Và ở một chừng mực nào đó, cha mẹ cũng cần phải dạy con cái biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Bởi khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất.

Các đoàn thể, nhà trường cần giáo dục cho các em hiểu biết về quyền được bảo vệ của mình; cần có những chương trình phát động tố cáo những hành vi xâm phạm tình dục trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ em, đồng thời có biện pháp bảo vệ các em một cách hữu hiệu.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên "thiến hóa học" kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này trong xã hội.  Thực tế cho thấy, việc “thiến hóa học” này được nhiều nước trên thế giới đã làm và có hiệu quả. 


 

Hoàng Hằng (T/H)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bao-dong-thuc-trang-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-o-viet-nam-a544357.html