Chiếm đoạt hơn 10 tỷ từ nâng khống thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai

Trả lời về vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT bộ Công an đã xác định có một số cá nhân có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, báo chí đặt câu hỏi: “Vừa qua cơ quan CCSĐT bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án nâng khống giá trị liên kết ở bệnh viện Bạch Mai và trục lợi điều trị cho bệnh nhân. Bộ Công an có thể cung cấp thêm thông tin về quá trình điều tra hiện nay, xác định quá trình mua bán như thế nào và vai trò của nguyên lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai như thế nào?”

Trả lời câu hỏi trên, Chánh Văn phòng bộ Công an Tô Ân Xô cho hay: Kết quả điều tra bước đầu cơ quan CSĐT bộ Công an xác định một số cá nhân ở công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (công ty BMS) và công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (công ty VFS) có hành vi câu kết nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt tiền của người bệnh tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Pháp luật - Chiếm đoạt hơn 10 tỷ từ nâng khống thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai

Cụ thể, trong quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả VAT. Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng, được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mai. Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017-2019, bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan CSĐT đang tập trung điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra tìm ra sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin: Sau khi vụ việc xảy ra, bộ Y tế đã có chỉ đạo các đơn vị, trong đó có bệnh viện Bạch Mai, rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết, giảm giá dịch vụ trên các máy đầu tư… điều chỉnh 18 dịch vụ xuống bằng mức giá thanh toán với các cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã đàm phán, thương thảo với các đơn vị liên kết để điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Riêng với máy giảm tới 5 triệu đồng thì giảm xuống còn 4,3 triệu đồng/ca. Giảm giá 28 triệu đồng xuống còn 24 triệu đồng/ca. Tiếp đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có chỉ thị về liên doanh, liên kết. Trong tuần tới, chỉ thị này sẽ được ban hành.

Trong một diễn biến khác tại cuộc hỏi báo, báo chí đặt câu hỏi: “Vừa qua, Chánh Văn phòng bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã trả lời về nghi án nhận hối lộ của Tenma Nhật Bản. Bộ Tài chính đã đình chỉ một số lãnh đạo của tổng cục Thuế liên quan đến việc nhận hối lộ từ một số cán bộ chi cục Thuế ở Bắc Ninh. Xin cho biết ngoài việc do dịch bệnh Covid-19 nên bộ Công an chưa nhận được phản hồi của Nhật Bản thì bộ Tài chính đã có xử lý nhân sự thế nào?”

Trả lời báo chí về vụ việc này, Thứ trưởng bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay: “Liên quan đến vụ án Tenma, ngay sau khi có thông tin hối lộ, bộ Tài chính cũng đã nghiêm túc xem xét và tạm đình chỉ công tác của những đối tượng liên quan và tổ chức đoàn thanh tra. Hiện bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để điều tra vụ án. Sau khi có kết luận chính thức về điều tra vụ án, nếu có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và sẽ thông báo chính thức đến các cơ quan báo chí”.

Vụ án kê khống giá thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan được cơ quan CSĐT bộ Công an xác định có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và đang khẩn trương điều tra hành vi vi phạm của những người liên quan.

Trước đó, ngày 31/8, cơ quan CSĐT bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Các bị can này được xác định đã cấu kết với nhau để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chiem-doat-hon-10-ty-tu-nang-khong-thiet-bi-y-te-tai-benh-vien-bach-mai-a544379.html