Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?

Hàng loạt người bị ngộ độc sau khi sử dụng pate Minh Chay đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Dư luận lo lắng và đặt câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ việc này?

Vụ việc ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum có trong sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới khiến cho nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe với những thương tổn kéo dài, đây là hồi chuông báo động về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam hiện nay.

Trước nhiều ý kiến thắc mắc về việc ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ việc này? Luật sư Trần Hậu - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, tại khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm cũng xác định rõ: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Các thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Sản phẩm pate Minh Chay bị cảnh báo có chứa độc tố, gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở do Nhà nước quy định hiện nay là 1.600.000 đồng/tháng.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, trong các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trừ các chứng cứ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trong khi đó,các tổ chức kinh doanh này có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại (Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Quy định này tạo điều kiện cho người tiêu dùng được thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại dễ dàng hơn từ, từ đó các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà pháp luật đã quy định dễ được áp dụng và có giá trị thực thi cao hơn.

Ngoài ra, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010Luật An toàn thực phẩm 2010 đều quy định rất rõ, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Trường hợp đã xác định được sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, lưu thông và là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Botulinum gây ngộ độc cho người thì Công ty Lối Sống Mới phải chịu trách nhiệm theo quy định nêu trên, cụ thể:

1. Về xử lý vi phạm hành chính, cơ sở sản xuất kinh doanh có hành vi sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh hình thức phạt tiền, cơ sở vi phạm còn bị có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm. Các sản phẩm vi phạm bị buộc phải thu hồi, tiêu hủy và cơ sở kinh doanh vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

2. Trường hợp thực hiện hành vi sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng, chưa được phép sử dụng, lưu thông tại Việt Nam hay chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết thực phẩm không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo tính chất hành vi, mức độ gây thiệt hại, các thang số phạm tội khác mà bị áp dụng khung hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến phạt tù 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Đối với các thiệt hại đang xảy ra với người tiêu dùng, khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật An toàn thực phẩm 2010 đều có quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Như vậy đã có một hành lang pháp lý với những điều khoản pháp luật rõ ràng để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", để bị bệnh rồi mới lo kiện cáo bồi thường, thì cơ chế giám sát, thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh của các cơ sở chế biến thực phẩm cần phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa. 

Như tin đã đưa trước đó, từ ngày 13/7 đến nay, hàng loạt người phải nhập viện do ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Các bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... 

Thông tin đầu tiên nghi ngờ ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum. Botulinum là độc tố mạnh nhất thế giới, có thể gây chết người chỉ với liều lượng rất nhỏ. Độc tố thường được sinh ra trong môi trường bị nhiễm vi khuẩn, yếm khí và nhiệt độ thích hợp. Các ca ngộ độc từng xảy ra với thức ăn chế biến, đồ hộp. Vi khuẩn bị tiêu diệt nếu đồ hộp được đun nấu lại ở nhiệt độ 100 độ C.

Việt Nam hiện không có huyết thanh kháng độc, phải nhập từ nước ngoài. Các bệnh nhân phần lớn được điều trị hỗ trợ thở máy, thay huyết tương, kháng sinh và tập luyện vật lý trị liệu. 

 

Bảo Đăng

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-ngo-doc-pate-minh-chay-ai-se-chiu-trach-nhiem-boi-thuong-cho-cac-nan-nhan-a544442.html