Từ vụ học sinh lớp 3 thoát chết khi bị bỏ quên trên xe, cha mẹ cần lưu ý những gì?

Đừng bao giờ chủ quan mà hãy trang bị cho trẻ những kĩ năng cần thiết nếu chẳng may bị kẹt lại trong ô tô. Càng hành động sớm thì khả năng thoát ra an toàn càng tăng lên.

Liên quan đến vụ học sinh lớp 3 bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết đã tiến hành đình chỉ công tác đối với các nhân viên vi phạm quy trình đưa đón học sinh.

Đại diện nhà trường cho biết, điều may mắn là thời gian vừa qua nhà trường đã giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm trong xe ô tô nên em học sinh đã tự biết mở cửa thoát ra ngoài.

"Việc em học sinh tự biết mở cửa thoát ra và không sao thực sự là hồng phúc cho nhà trường", lãnh đạo Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đây cũng không phải là trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đầu tiên, cách đây một năm, trên mạng xã hội cũng xôn xao trước lời kể của mẹ bé Hoàng Sơn (SN 2008) từng bị bỏ quên trên xe bus của trường vào ngày 21/5/2018.

"Buổi sáng ngày 21/5, Hoàng Sơn được đưa ra xe bus của nhà trường như thường lệ, chưa kịp ăn sáng. Hôm đó là buổi học gần cuối năm, nhiều học sinh nghỉ, vì vậy, Sơn nằm xuống băng ghế thả mình chìm vào giấc ngủ, mà không biết bác tài xế đã trả các bạn xuống trường và lái xe về phía đường 32 Cầu Diễn.

Cô giáo chủ nhiệm vô tư nghĩ rằng phụ huynh tự ý cho con nghỉ nên không gọi điện thông báo.

Khi con tỉnh dậy thì thấy mình đang ở một nơi xa lạ, xe buýt đã tắt máy, khóa cửa và bác tài đã đi đâu đó. May mắn là cái nắng của mùa hè tháng 5 khiến con đã nhanh chóng tỉnh. Nếu trời đông lạnh giá, ở trong xe ấm áp có khi con ngủ đến chết ngạt trên xe.

Cũng may vì con là người mê xe nên hay để ý và biết về xe, nhờ đó mà biết cách thoát ra bằng cửa buồng lái. Nhờ kỹ năng này nên con may mắn không bị chết ngạt hay hoảng loạn tâm lý khi bị nhốt trong xe".

Do vậy, việc dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm trong tình huống bị bỏ quên một mình trên xe là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp rơi vào tình huống này, bạn nên hướng dẫn bé các kĩ năng sau:

1. Giữ bình tĩnh

Việc gào thét, khóc lóc có thể khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức từ đó bỏ qua những cơ hội tăng khả năng thoát ra. Vì vậy nếu không may rơi vào trường hợp bị kẹt trong ô tô, phụ huynh nên khuyên trẻ cần bình tĩnh, tìm cách tự thoát ra hoặc báo hiệu cho người xung quanh về tình trạng của mình.

2. Thử mở các cửa ô tô

Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa chính và cửa sổ của xe xem có được không. Biết đâu may mắn có một cánh cửa xe chưa được đóng kín hoàn toàn thì cơ hội thoát thân cho trẻ đơn giản hơn nhiều.

3. Liên tục bấm còi vô lăng xe

Có một sự thật ít người biết rằng còi xe ô tô luôn hoạt động kể cả khi xe không khởi động. Khi bỏ rơi trên xe ô tô, trẻ cần đến vị trí vô lăng xe, tìm kiếm hình ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.

Trên thế giới, tình trạng để quên trẻ em trên xe là thảm kịch đáng báo động. Ảnh minh họa

4. Liên lạc với mọi người ở bên ngoài

Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị hay với trẻ lớn hơn là một chiếc điện thoại để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách gọi điện với bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương khi có sự cố xảy ra là bị nhốt trong xe ô tô một mình.

5. Đập mạnh vào cửa

Với trẻ nhỏ không có điện thoại cá nhân hoặc đồng hồ định vị, việc trẻ cần làm lúc này là dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài biết tìm cách giải cứu.

Nếu có giấy, bút và thấy người ở gần, hãy làm một dấu hiệu kêu gọi sự trợ giúp.

6. Tìm cách phá kính ô tô

Trong trường hợp bất khả kháng, khi không thể tự mở cửa xe hay kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài, trẻ có thể tìm các dụng cụ phá kính ô tô trong xe. Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra.

Minh Nguyệt (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-hoc-sinh-lop-3-thoat-chet-khi-bi-bo-quen-tren-xe-cha-me-can-luu-y-nhung-gi-a544638.html