Thắng cảnh Việt hơn 100 năm trước qua ống kính người Pháp

Vịnh Hạ Long, thác Bản Giốc, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn... kỳ vĩ qua ống kính nhiếp ảnh gia Pháp Pierre Dieulefils cuối thế kỷ 19.

Cầu Long Biên (Hà Nội) khi mới khởi công vào cuối thế kỷ 19, lúc đó có tên là Doumer - đặt theo tên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Cầu được người Pháp xây từ năm 1898, khánh thành năm 1902. Toàn bộ 30.000 mét khối đá và 5.300 tấn thép cùng vật liệu khác được vận chuyển từ Pháp sang. Theo tài liệu ở Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, đầu thế kỷ 20, Long Biên là cầu thép có kiến trúc đẹp và dài nhất khu vực Đông Dương, là một trong những cầu lớn nhất thế giới. Người Hà Nội khi ấy thường thuộc bốn câu thơ: "Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong /Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...".

Cuối thế kỷ 19, một số người Pháp - trong đó có Pierre Dieulefils - sang Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa. 261 bức ảnh của ông - được chụp ở Bắc, Trung, Nam - in trong sách "Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ" (Đông A Books phát hành hồi tháng 8).

Trung tâm thành phố Nam Định nhìn từ trên cao với kiến trúc mái ngói đặc trưng, nhà cửa san sát.

Vịnh Hạ Long còn vẻ hoang sơ cuối thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ trước, vẻ đẹp vịnh Hạ Long và cuộc sống người dân nơi đây là đề tài cuốn hút nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài. Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long (có diện tích 434 km2) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Pierre Dieulefils còn dành thời gian tìm đến nhiều địa danh vùng biên giới phía Bắc - trong đó có thác Bản Giốc. Thác nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Đây được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam với các tầng nối tiếp nhau, trải rộng đến cả trăm mét. Nhìn từ xa, thác như những dải lụa trắng mềm mại vắt ngang lưng đồi.

Khu vực bên ngoài kinh thành Huế. Di tích được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, tọa lạc ở phía Bắc sông Hương, mặt quay về hướng Nam. Nơi đây kết hợp giữa nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành, cùng những đặc điểm của kiến trúc quân sự phương Tây.

Những bậc đá rêu phong tại lăng Thiệu Trị - nơi chôn cất hoàng đế Thiệu Trị. Đây là một di tích trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993. Ngày nay, lăng nằm ở làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.

Cửu đỉnh là chín đỉnh đồng đặt tại phía nam Kinh thành Huế. Cửu đỉnh được đúc dưới thời vua Minh Mạng trong hai năm (1835 - 1837). Mỗi đỉnh có 17 hình ảnh thắng cảnh, sản vật. Các hình chạm nổi trên Cửu đỉnh không chỉ trang trí mà còn là biểu tượng về sự giàu đẹp của đất nước.

Khu vực cầu Bình Lợi đầu thế kỷ 20 với nhiều cư dân sinh hoạt lân cận. Bình Lợi là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, được công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập) xây dựng.​ ​Tháng 6/2020, cầu được tháo dỡ vì xuống cấp sau hơn 100 năm.

Thuyền bè trước một nhà máy tại khu vực Chợ Lớn. Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19, khi cộng đồng người Hoa đến định cư, xây dựng một đô thị sầm uất. Vào thời Pháp, Chợ Lớn là một thành phố tách bạch với Sài Gòn trước khi được hợp nhất năm 1956. Ngày nay, khu vực chợ Lớn tương ứng với quận 5, 6 của TP HCM.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn xưa là điểm đến được yêu thích tại trung tâm thành phố. Khi khánh thành năm 1880, nhà thờ chưa có hai ngọn tháp. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông với sáu chuông đồng lớn, trên đỉnh tháp có đính cây thánh giá. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,5 m.

Pierre Dieulefils (1862 - 1937) sinh tại làng Malestroit ở vùng Bretagne, Pháp. Ông gia nhập quân đội năm 1883, sang Đông Dương lần đầu năm 1885. Hai năm sau, ông giải ngũ rồi trở về Pháp. Năm 1888, ông quay lại miền Bắc Việt Nam, rẽ sang làm nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhà xuất bản bưu ảnh chuyên nghiệp. Năm 1905, ông đến Sài Gòn rồi du hành sang Phnom Penh và Angkor.

Năm 1909, ông tập hợp bộ ảnh về Đông Dương và xuất bản tập sách ảnh mang nhan đề "Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin" (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ). Tác phẩm đem lại cho ông huy chương vàng tại Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910. Sau đó, ông tiếp tục ra mắt cuốn "Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận" (Cochinchine - Saïgon et ses environs). Năm 1913, ông về Pháp, dành phần lớn thời gian sáng tác thơ ca. Ông qua đời tại quê nhà Malestroit.

theo VnExpress

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thang-canh-viet-hon-100-nam-truoc-qua-ong-kinh-nguoi-phap-a544745.html