Chiều 15/9, trên mạng xã hội lan truyền clip đánh ghen giữa phố Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo nội dung đoạn clip, người phụ nữ sau khi phát hiện chồng mình lái xe sang Lexus LX 570 chở theo cô gái trẻ (được cho là tình nhân) trên đường thì tỏ ra vô cùng tức giận. Người phụ nữ giật cửa xe để lôi cô gái trẻ xuống đường, sau đó liên tục chửi bới lớn tiếng và giật tóc, đánh đập rất mạnh tay.
Cô gái trong bộ váy đen hở hang bị người vợ đánh nhưng không thể phản kháng, chỉ khóc lóc và la hét giữa đường.
Thấy cảnh vợ xô xát như vậy, người chồng xông vào giữ chặt lấy tay vợ để... bảo vệ cho cô gái trẻ. Trước tình huống vợ kéo tóc cô gái không buông, người đàn ông này còn đánh đấm và thúc khuỷu tay nhiều cái vào mặt vợ. Những người đứng xung quanh chứng kiến hết sức bất bình vì hành động của người chồng.
Trước đó, ngày 31/8, mạng xã hội xôn xao lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc người đàn ông lao vào đánh đập dã man một người phụ nữ trên đường phố. Bất chấp việc nhiều người can ngăn người đàn ông này vẫn giật tóc, đấm đá vô cùng vũ phu.
Theo chia sẻ từ người đăng tải clip, nguyên nhân sự việc là do người đàn ông lái xe ô tô đến hẹn hò với nhân tình ở trong nhà nghỉ và bị người phụ nữ (được cho là vợ) cùng mẹ tìm đến bắt được. Người vợ đánh ghen nên túm chặt tóc của cô nàng bồ nhí để mắng chửi và đánh đập, còn người mẹ đi cùng dùng dép để tát tới tấp vào đầu "tiểu tam". Tuy nhiên người vợ chẳng thể nào ra tay tiếp được bởi đã bị chồng lao vào giằng co, đánh đập.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Khoa (Công ty tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội), hình ảnh đánh ghen giữa phố hầu như thấy ở phương Đông. Việc đánh ghen giữa phố cuối cùng thì người thiệt thòi xấu mặt thường chính là người vợ. Khi đánh ghen họ chẳng thể giải quyết được vấn đề chính là mối quan hệ vợ chồng mà chỉ khiến nó thêm rạn nứt.
Tâm lý của bất cứ phụ nữ phương Đông nào khi chồng có nhân tình là muốn đến đánh ghen với người thứ 3 mà không bao giờ tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Người thứ ba luôn là người có lỗi vì đã xen vào mối quen hệ của vợ chồng họ. Phụ nữ luôn đổ lỗi cho nhân tình của chồng.
Ông Khoa cho rằng đây là quan niệm sai lầm vì khi gia đình hạnh phúc thì khó có ai có thể xen vào được. Chỉ những gia đình không còn hạnh phúc, vợ chồng bất hoà mới là cơ hội cho người thứ ba xuất hiện.
Vì vậy thay vì đi đổ lỗi cho người thứ ba, lao vào cào cấu, đánh đập người thứ 3 thì cần quay mấu chốt người vợ, người chồng mới là hai người chính trong mối quan hệ gia đình. Vợ chồng cần nói chuyện với nhau để tháo gỡ khúc mắc, phân tích vì sao mối quan hệ của họ lại đến nông nỗi đó và có thể hàn gắn, tha thứ được hay không.
Ở các nước phương Tây, người ta không bao giờ đánh ghen mà khi có người thứ 3 họ sẽ ứng xử văn minh tìm nguyên nhân và khi không còn yêu, không còn tình yêu sẽ sẵn sàng cho đối phương mối quan hệ mới thay vì “vạch áo cho người xem lưng” ở giữa phố. Mọi hành động đánh ghen đều đáng lên án bởi đây là bạo lực, thậm chí có thể vi phạm pháp luật.
Nói về hành động của người chồng trong vụ đánh ghen, ông Khoa cho rằng trong trường hợp này người chồng không can ngăn cũng không được. Hành vi bạo lực đánh vợ đó cũng là cách thể hiện không còn tình cảm gì với vợ. Cho dù người chồng không bảo vệ nhân tình, cô nhân tình ấy có chạy mất thì cô khác cũng sẽ xuất hiện thay thế.
Ông Khoa đưa ra lời khuyên, những ông chồng một khi đã không còn muốn gắn bó với vợ, với gia đình của mình nữa thì hãy ly hôn rồi hẵng có người mới. Những người vợ muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình có nhiều cách chứ không chỉ riêng cách đánh ghen cho “ra ngô ra khoai” để rồi tổ ấm chưa chắc giữ được mà bản thân lại chịu thiệt nhất.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/danh-ghen-giua-pho-tieu-tam-nhuc-nha-con-nguoi-vo-thiet-hai-nang-ne-a544838.html