Công ty sách kiện sàn thương mại điện tử vì tiếp tay tiêu thụ sách giả: Cuộc chiến pháp lý vô tiền khoáng hậu

Sau nhiều lần cảnh báo nhưng đối phương vẫn phớt lờ, mới đây -công ty sách First News tuyên bố khởi kiện sàn thương mại điện tử Lazada vì cho rằng Lazada đã tiếp tay tiêu thụ sách giả. Giới xuất bản lẫn doanh nghiệp thương mại điện tử đang dõi theo vụ việc chưa từng có tiền lệ này. Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã ghi nhận những ý kiến về một “cuộc chiến pháp lý” vô tiền khoáng hậu...

Không dễ xác định thiệt hại

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, người đứng đầu First News bày tỏ, đây là quyết định không mong muốn. Phía First News cho rằng Lazada không kiểm soát hoạt động kinh doanh, có sàn bán sách giả, khiến công ty sách chịu thiệt hại, ảnh hưởng uy tín.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty First News cho biết: “Sau hơn 2 năm phát hiện các sàn thương mại điện tử đã trực tiếp hoặc gián tiếp có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả số lượng lớn của các nhà xuất bản, chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo cho Lazada, Sendo, Shoppe”.

Nhưng đặc biệt là Lazada vẫn phớt lờ, không hề kiểm soát các sàn liên tục bán sách giả. Nhận định của đại diện First News cho rằng, Lazada tiếp tay cho việc bán sách giả, với hơn 600 đầu sách của công ty.

Được biết, để tự kiểm tra, First News đã đặt hàng ngẫu nhiên 86 đơn hàng mà sản phẩm được giới thiệu giảm giá trên 50% trên Lazada. “Kết quả nhận về hoàn toàn là sách giả, kém chất lượng và sai sót. Chứng tỏ các gian hàng trên sàn Lazada và các tội phạm làm giả in lậu có một mối quan hệ mật thiết”, ông Phước đánh giá.

Mặc dù không đưa ra con số thiệt hại cụ thể nhưng ông Phước khẳng định, hành vi của Lazada đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, thương hiệu của First News. Công ty nhận được hàng trăm thư bức xúc của độc giả hỏi tại sao bán sách kém chất lượng, phải đổi trả cho bạn đọc để giữ gìn uy tín.

Hoạt động buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử đang khiến đơn vị làm sách thiệt hại nặng nề.

Chính vì vậy, First News đã nộp hồ sơ đến TAND quận 1, TP.HCM. Trong đơn khởi kiện, công ty First News yêu cầu Lazada tháo gỡ ngay toàn bộ các thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả bị First News phát hiện. Đồng thời, Lazada phải có biện pháp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn, buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các quyển sách đang được mua bán.

Nói rõ hơn về lý do khởi kiện, đại diện pháp lý của First News là luật sư Trần Trung Thi, đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Chiếu theo các quy định như Nghị định 52/2013/NĐ-CP hay luật Sở hữu trí tuệ 2005, Lazada đã vô trách nhiệm trong kiểm tra, quản lý hoặc cố tình làm ngơ để cho các cá nhân/tổ chức khác tiến hành việc bán sách giả trên website thương mại điện tử thuộc quyền quản lý, điều hành của mình. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Hành vi vi phạm này của Lazada và bên bán hàng đã xâm phạm và gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của First News nói riêng và người tiêu dùng nói chung”.

Trách nhiệm đến mức độ nào?

Ngay lập tức, Lazada cũng lên tiếng trước cáo buộc. Người đại diện đối ngoại của sàn thương mại điện tử này cho biết: "Chúng tôi luôn áp dụng chính sách quản lý nền tảng nghiêm ngặt và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Nhà bán hàng trên Lazada phải cam kết tuân thủ theo luật pháp và quy định của địa phương”.

Khi nhận thấy các dấu hiệu vi phạm, Lazada sẽ tiến hành rà soát, gỡ bỏ các sản phẩm có liên quan trên nền tảng của mình. Tất cả phản ánh liên quan tới hàng giả, hàng nhái trên sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada được xử lý theo pháp luật.

Ghi nhận của PV, các sàn thương mại điện tử khác từng bị First News tố cáo tiếp tay buôn bán sách giả cũng không thừa nhận. Như về thông tin một số sản phẩm sách không có bản quyền xuất hiện trên Sendo, sàn này đã thường xuyên gửi thông báo đến toàn bộ người bán hàng để nhắc nhở về chính sách của doanh nghiệp và pháp luật hiện hành về xuất bản, kinh doanh sách.

Theo đó, phía Sendo sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp có liên quan để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời tất cả hành vi vi phạm của người bán, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Hàng trăm đầu sách của First News bị làm giả rồi bán trên trang thương mại điện tử.

Còn sàn Shopee cho rằng, theo Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, người bán hàng trên sàn phải bảo đảm tính chính xác, trung thực về thông tin hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, họ còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng …

“Các quy định pháp luật liên quan quy định rõ, Shopee đơn thuần là đơn vị cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử. Nói rõ hơn, Shopee chỉ cung cấp nền tảng cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền, chức năng, nghiệp vụ, cũng không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là sách lậu, sách giả hay không”, đại diện sàn Shopee nói.

Cuộc chiến pháp lý: Bên nào sẽ thắng cuộc?

Không chỉ First News, nhiều đơn vị khác cũng đau đầu với thực trạng sách giả bán online. NXB Trẻ từng phát hiện cuốn Tiếng Nhật cho mọi người xuất hiện bản lậu được bán trên Tiki. Khi được phản ánh, website này đã cho dừng tài khoản của chủ gian hàng.

Còn lãnh đạo NXB Kim Đồng so sánh: “Với hành vi bán sách giả thông thường, trên môi trường online, việc này khó phát hiện hơn vì đa phần người mua chọn sách trên mạng trước khi cầm được ấn bản. Khi bị phản ánh, nhiều sàn phủ nhận trách nhiệm, cho rằng chỉ là đơn vị trung gian, cung cấp nơi bán hàng chứ không lưu trữ ấn phẩm”.

Cùng với đơn khởi kiện Lazada, công ty First News cũng gửi kèm bằng chứng là vi bằng thừa phát lại.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam, hành vi in giả và buôn bán sách giả được coi là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, cuộc đấu tranh chống lại sách giả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất bản, đơn vị làm sách, cơ quan chức năng, luật sư…

“Sách là một loại hàng hóa nhưng lâu nay việc làm sách giả chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính nên cứ như bắt cóc bỏ đĩa. Mức chế tài quá nhẹ đã khiến cho những đơn vị vi phạm “lờn thuốc”. Họ chỉ cần đóng phạt vài chục triệu là xong trong khi lợi nhuận cho việc làm này lại vô cùng lớn”, ông Lê Hoàng nhận xét.

Còn một lãnh đạo hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng chỉ ra: “Sàn giao dịch thương mại điện tử cũng giống như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và chủ sàn đóng vai trò như ban quản lý. Người quản lý phải kiểm soát được các hộ kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời ban quản lý cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các chủ sàn phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa bày bán trên trang của mình”.

Tùy mức độ mà các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng vi phạm. Cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý ngành văn hóa trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ in ấn sách lậu. Song, khó khăn lớn nhất là để điều tra là phải có dấu hiệu, chứng cứ đầy đủ. Trong khi đối tượng có thể đóng website, xóa dấu vết.

Hà Nhân

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-sach-kien-san-thuong-mai-dien-tu-vi-tiep-tay-tieu-thu-sach-gia-cuoc-chien-phap-ly-vo-tien-khoang-hau-a544869.html