Uống nhầm xăng, dầu hỏa...
Chiều 17/9, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh nhi Đ.T.L. (SN 2019, ở xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhập viện vào khoảng 11h ngày 15/9 trong tình trạng ngộ độc rất nặng do đã uống nhầm xăng.
Thông tin ban đầu được biết, trước đó, vào khoảng 8h30 ngày 15/9, người thân phát hiện cháu L. toàn thân tím tái nên ngay lập tức đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân.
Do tình trạng cháu bé rất nặng, nên được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu tích cực nhưng đến 12h cùng ngày thì cháu bé tử vong.
Trước đó không lâu, vào đầu tháng 9, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 15 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch sau khi uống phải dầu hỏa. Người nhà của bệnh nhi cho biết, gia đình đã sang chiết dầu hỏa vào vỏ chai coca, để ở góc nhà. Trong lúc không để ý, cháu bé tưởng là nước ngọt nên đã uống nhầm. Ngay lúc đó, bệnh nhi bị sặc theo đường mũi, nôn trớ.
Gia đình đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, phải thở máy, điều trị kháng sinh và thuốc đặc hiệu.
Một ca bệnh khác là cháu bé uống nhầm nước tẩy bồn cầu cũng vừa được các bác sĩ Bệnh viênh Nhi Trung ương cứu sống. Cụ thể, trong lúc chơi đùa, bé trai Đ.B.A (21 tháng) đã cho vào miệng chiếc chén mà gia đình từng dùng để đựng thuốc tẩy rửa bồn cầu nhưng chưa kịp rửa sạch. Hậu quả là bé trai bị loét miệng-hạ họng thanh môn và loét thực quản-dạ dày.
Sự bất cẩn của người lớn
Theo khuyến cáo của bác sĩ, gia đình có trẻ nhỏ phải hết sức lưu ý, không được để những hóa chất, thuốc ở tầm với của trẻ, đặc biệt không đựng vào những chai, hộp trẻ dễ nhầm thành đồ uống, đồ ăn được. Khi phát hiện trẻ uống phải hóa chất, hoặc những thứ nghi ngờ, trước tiên phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông tin cho bác sĩ về hóa chất nghi ngờ trẻ đã uống.
Ths.BS Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng khuyến cáo, phụ huynh khi gặp trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất phải bình tĩnh sơ cứu và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất, tùy vào đánh giá tình trạng của trẻ mà bác sĩ chuyển trẻ đến tuyến cao hơn để có biện pháp đặc hiệu hơn.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, với những gia đình có trẻ nhỏ, bố mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Thuốc, hóa chất gây nguy hiểm cần được đặt xa tầm tay trẻ em, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.
- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống để tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.
- Không để thuốc, hoá chất gần thức ăn, thức uống, nơi trẻ dễ nhìn thấy. Bất cứ loại thuốc nào không sử dụng hoặc đã hết hạn cần vứt bỏ không nên để cho trẻ chơi.
- Dạy trẻ cách nhận diện và phân biệt với các loại đồ ăn có hình dáng tương tự.
- Đặc biệt, trong quá trình cho trẻ uống thuốc, nhiều bố mẹ hay nói đó là kẹo để trẻ dễ uống. Tuy nhiên, đây là sai lầm nên bỏ vì sau này, có thể trẻ sẽ nghĩ một loại thuốc nào đó cũng là kẹo dẫn đến việc ăn thử và có thể gây ra ngộ độc nếu là thuốc không dùng cho trẻ nhỏ.
Minh Nguyệt (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-tinh-trang-tre-uong-nham-hoa-chat-vi-thoi-quen-tai-hai-cua-nguoi-lon-a544933.html