Hậu quả đáng tiếc do trẻ hóc thạch rau câu
Thạch rau câu vốn là một đồ ăn vặt rất được ưa thích nên gần như gia đình nào có trẻ nhỏ cũng được bố mẹ mua cho. Thực tế này đã có rất nhiều trường hợp trẻ hóc thạch rau câu dẫn tới nguy kịch hay thậm chí là tử vong.
Mới đây nhất, vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Gia Lai. Bác sĩ Phạm Chí Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết, nạn nhân là cháu trai T.Đ.B.K. (20 tháng tuổi, trú tại thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện).
Vào sáng 17/9, cháu K. được cha mẹ đưa đến gửi tại một nhà dân trên địa bàn thị trấn Phú Thiện.
Tại đây, người giữ trẻ đã cho cháu K. ăn thạch rau câu. Khi đang ăn, cháu K. bất ngờ bị ho, sặc rồi toàn thân tím tái và ngất xỉu. Thấy vậy, người giữ trẻ đã sơ cứu rồi đưa cháu K. đến Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ xác định cháu T.Đ.B.K. đã tử vong trước khi tới bệnh viện. Nguyên nhân do sặc thạch rau câu dẫn đến ngạt thở, thiếu oxy lên não.
Trước đó, cuối tháng 2/2019, bé N.H.Đ (1 tuổi, Nghệ An) cũng bị hóc thạch rau câu. Gia đình đưa bé đến trạm y tế xã cấp cứu trong tình trạng toàn thân tím tái, không thở được, đồng tử hai bên giãn ra, không còn phản xạ thần kinh. Gia đình đã mất quá nhiều thời gian để lấy dị vật trong miệng bé ra mà không được. Hậu quả là bé tử vong trước khi tới trạm.
Vì sao trẻ hóc thạch rau câu dễ tử vong?
Trong các loại dị vật trẻ hóc phải thì thạch rau câu là nguy hiểm nhất. Bởi, khi ăn thạch rau câu, trẻ thường phải hút thật mạnh để đưa thạch vào miệng. Do miếng thạch rau câu to, mềm dễ chèn vào đường thở, trẻ dễ hít chặt vào khó ho ra. Khi cấp cứu, các bác sĩ cũng không thể gắp nhanh chóng vì thạch trơn, dẻo.
Theo các chuyên gia, khi ăn, nắp thanh môn của con người luôn mở ra để hút hơi vào đường thở và thức ăn vào tới miệng, cơ thể có phản xạ đóng nắp thanh môn để đẩy đồ ăn xuống thực quản, dạ dày. Tuy nhiên, khi trẻ hút rau câu vọt vào miệng quá nhanh và mạnh, nắp thanh môn này chưa kịp đóng nên dị vật kịp chui nhanh vào đường thở khiến bé hóc. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ dễ tử vong.
Trẻ bị hóc thạch rau câu, cha mẹ cần làm gì?
Các bác sĩ cho rằng thời gian “vàng” để cấp cứu cho trẻ hóc dị vật chỉ từ 5-10 phút. Nếu các con không được sơ cứu kịp thời trong thời gian này, khó có cơ hội sống sót. Sau thời gian vàng này, nếu trẻ được cứu sống cũng không thể phục hồi não, có thể sống cuộc đời thực vật.
Trường hợp trẻ bị hóc thạch nói riêng và hóc dị vật đường thở nói chung, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Khi thấy trẻ tím tái, có thể áp dụng biện pháp đặc biệt.
Đối với trẻ nhỏ, đặt trẻ lên đùi, đầu để thấp và quay nghiêng, sau đó vỗ vào lưng để thạch bật ra. Đối với trẻ lớn, đặt 2 tay dưới xương ức và tiến hành ấn. Khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật ra rồi thì thôi. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.
Tốt nhất, cha mẹ không nên cho trẻ ăn thạch, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi bởi phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc... Nên dạy trẻ có thói quen tập trung cao độ khi ăn, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn và luôn để ý tới trẻ.
Minh Nguyệt (T/h)