Tại bệnh viện ở thành phố Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc), có một ông lão tên là Zheng Shouyun, 85 tuổi. Kể từ tháng 5 năm 2017, ngày nào ông cũng đến viện để tìm vợ. Ông Zheng gọi vợ là Wan Dahua. Vợ ông nằm ở bệnh viện này, ông muốn tìm để chăm sóc cho bà.
Hôm đó Tong Chunxiang, một y tá trưởng của bệnh viện đang kiểm tra y lệnh của bác sĩ thì thấy ông lão bước vào cửa. Ông nói một cách lịch sự: Chào chị, tôi đang tìm người.
Y tá trưởng nhìn vẻ mặt của ông lão, có vẻ khẩn cấp nên cô giúp ông tìm, nhưng nơi cô đang làm việc không có ai là Wan Dahua. Vì vậy cô đã đưa ông đến các khoa khác để tìm. Cuối cùng, ông lão tìm thấy tên của vợ tại khoa Huyết học, nhưng bà đã xuất viện cách đó 1 tháng.
Nghe nhân viên y tế nói, ông lão tỏ ra thảng thốt. Sau đó, ông đành thất vọng ra về. Không ngờ ngày hôm sau, ông lại đến viện để tìm vợ. Các nhân viên nói với ông rằng vợ ông đã xuất viện và thuyết phục ông trở về nhà.
Tưởng chừng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng suốt một tháng sau đó, ngày nào ông Zheng cũng đến bệnh viện và lặp lại những câu hỏi cũ. Cho đến một ngày, em trai ông tình cờ đến bệnh viện khám bệnh, gặp anh trai đang đi tìm vợ nên nói ra sự thật khiến mọi người xúc động.
Hóa ra, sau khi rời khoa Huyết học một thời gian ngắn, vợ ông Zheng đột ngột lên cơn đau tim. Bà được đưa đến khoa Tim mạch nhưng đã không qua khỏi.
Ông Zheng lúc đó đang mắc bệnh Alzheimer nhẹ. Sự ra đi của bà đã giáng cho ông một đòn nặng. Kể từ ngày đó, tình trạng của ông ngày càng tồi tệ hơn.
“Tôi không nhớ rằng vợ tôi đã qua đời, tôi chỉ nhớ vợ tôi đang nằm trong bệnh viện. Vì vậy tôi đến bệnh viện ngày này qua ngày khác”, ông Zheng nói, giọng run run.
Bác sĩ ở khoa Tim mạch cho biết, khi bà Wan Dahua nhập viện, ông Zheng luôn ở bên cạnh. Khi Wan Dahua chết, ông nắm tay vợ và khóc rất lâu. Cảnh tượng ấy khiến các y bác sĩ của khoa nhớ mãi.
Nghe xong câu chuyện, hiểu ra vấn đề, nhiều nhân viên của bệnh viện được huy động để bảo vệ ông lão. Chỉ cần ông đến nhờ, mọi người sẽ cùng ông tìm kiếm bà. Nhưng sau đó, mọi người lại lo lắng cho ông, vì nếu bệnh Alzheimer nặng, ông có thể lạc đường. Hơn nữa, ông đi một mình ngoài đường cũng rất nguy hiểm.
Vì vậy, y tá trưởng và một vài người nữa đã đi theo ông về nhà. Ở nhà, ông được chăm sóc bởi một cô con gái nhưng cô nói rằng, cô còn con và phải lo công việc nên không thể đi theo cha mỗi ngày.
Cô con gái kể: “Ngày còn trẻ, cha cô là tài xế ở công ty vận tải nên thường xuyên vắng nhà. Mẹ cô vừa làm công nhân vừa phải chăm sóc 4 người con. Hai vợ chồng không có nhiều thời gian bên nhau nhưng cha luôn yêu thương mẹ. Cha còn nói, cha biết ơn và nợ mẹ rất nhiều”.
Giờ người vợ đã mất nhưng dường như ông vẫn không chấp nhận sự thật. Ông đi tìm vợ khiến những đứa con vừa đau khổ, vừa xót xa.
Lúc này, cô y tá trưởng cũng chú ý đến một chi tiết, trong nhà ông cụ có rất nhiều áo trắng. Hàng ngày họ cũng thấy ông mặc áo sơ mi trắng đi tìm vợ trong bệnh viện nhưng lại nghĩ, đó chỉ là sự tình cờ.
Cô con gái cho biết: “Vì mẹ từng nói với bố rằng, mẹ thích bố mặc áo sơ mi trắng nên lúc nào bố cũng mặc như thế”.
Cảm động trước tình yêu mà ông dành cho vợ, nữ y tá trưởng và một số nhân viên y tế của bệnh viện đã quyết định thành lập một “nhóm chăm sóc”. Họ thường xuyên đến kiểm tra tình trạng bệnh cho ông. Nếu thấy ông đến bệnh viện tìm vợ, họ sẽ giúp ông một vòng tìm kiếm rồi đưa ông về nhà. Ông cụ sống cạnh bệnh viện nên không tốn nhiều công sức.
Từ đó, hầu như ngày nào ông cũng đến viện, nhân viên y tế coi ông như người thân. Ông Zheng dù không nhớ tên các nhân viên nhưng những tình cảm đó đã tạo nên kỳ tích. Bệnh của ông ngày một khá hơn. Vì vậy, người ta nói rằng, những hơi ấm tình người chính là liều thuốc bổ, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật.
Vietnamnet