Tiền Phong đưa tin, theo thống kê từ Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, bão số 5 làm 408 cột điện các loại bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp... Sau nhiều ngày tập trung toàn lực khắc phục, đến 21/9, toàn tỉnh đã cấp điện trở lại cho hơn 85% khách hàng.
Điều khiến gười dân quan tâm là rất nhiều cột điện bị gãy, đổ. Cột khi bị đứt lộ ra thép nhỏ, bị cắt đứt ngọt chứ không oằn, uốn cong, lộ lõi thép cỡ phi 16 - 18 như cột điện truyền thống. Số cột điện bị hư hỏng cũng được cho là nhiều chưa từng thấy sau một trận thiên tai tại Thừa Thiên - Huế, trong vòng 10 năm lại đây.
Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, trong thiết kế, cột điện đưa vào sử dụng chịu được sức gió của một cơn bão cấp 12. Loại cột ly tâm dự ứng lực được đơn vị này sử dụng là sản phẩm chịu lực tốt, đã qua kiểm nghiệm, được đóng dấu đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Trước khi xuất xưởng, sản phẩm đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, thí nghiệm phá hủy. Loại cột này được thiết kế có khả năng chịu đựng gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế. “Nếu loại cột này được thiết kế dùng trong phân vùng có áp lực gió là bão cấp 10, thì khả năng chịu đựng của cột là gió cấp 20”, đại diện Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho hay. Tuy nhiên, trên thực tế, cơn bão số 5 tràn qua địa bàn sáng 18/9 chỉ có sức gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật tối đa cấp 11.
Có nhiều ý kiến đề nghị xem lại chất lượng loại cột này. Lý giải về cột điện ly tâm dự ứng lực bị hư hỏng rất nhiều, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Cty Điện lực Thưa Thiên - Huế, cho biết: Sở dĩ có tình trạng như vậy là do không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện. Cây xanh đổ ngã vào đường điện hàng loạt là nguyên nhân khiến hệ thống cột bị hư hỏng rất nhiều.
Trái với lý giải của ông Long, có những nơi giữa đồng không mông quạnh, không chịu tác động của cây xanh, cột ly tâm dự ứng lực “đạt tiêu chuẩn” cũng bị gió bão “chém” đứt lìa.
Tham khảo ý kiến của chuyên gia, cột điện ly tâm dự ứng lực được cho là chịu lực tốt, nhưng có đặc tính giòn; trong khi, cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo. Khi bị tác động ngoại lực mạnh, cột ly tâm dự ứng lực sẽ đứt gãy, còn cột điện truyền thống là “cột dẻo” nên cong oằn, nếu bị gãy thì khó đứt lìa, “ruột” được thiết kế bằng sắt thép có cỡ phi lớn hơn so với cột dự ứng lực.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bê tông cốt thép cho rằng, việc tạm dừng sử dụng cột điện bê tông làm theo công nghệ dự ứng lực tuy có muộn nhưng cũng là điều cần thiết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lý Trần Cường - bộ môn công trình Bê tông cốt thép, đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thông thường trong cột điện bê tông dự ứng lực vẫn phải có thêm thép thường xen kẽ với thép cường độ cao để đảm bảo cột vừa chịu tải tốt, vừa có độ dẻo khi có lực tác động.
"Việc có bao nhiêu thanh sắt thường, bao nhiêu thanh sắt cường độ cao. Hay sử dụng sắt phi bao nhiêu tùy thuộc vào thiết kế đường kính, độ dài của cột và vị trí lắp đặt cột. Cần phải xem xét lại thiết kế tất cả những nội dung này mới xác định được cột có đảm bảo chất lượng, đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn hay không" - vị chuyên gia nói.
Bảo Đăng (T/h)