Trẻ bướng bỉnh, các mẹ nên làm gì để không phải "xì khói" quát con

Theo các chuyên gia, khi con bướng bỉnh nhiệm vụ của cha mẹ là kiểm soát tính ương bướng của con 1 cách bình tĩnh, tránh xung đột, gây căng thẳng với trẻ.

Con bướng bỉnh, cha mẹ thất kinh

Cha mẹ thường la mắng khi thấy con bướng bỉnh, khó bảo. Ảnh minh họa

Trong các hội nhóm nuôi con trên mạng xã hội, chúng ta không khó để bắt gặp những dòng than thở mệt mỏi và phiền não khi những đứa con của họ luôn tỏ ra chống đối, bướng bỉnh và không chịu nghe lời. 

Cụ thể, mẹ trẻ này viết "Nhiều khi các con bướng bỉnh nói không chịu nghe lời chút nào cả e lại hay đánh mắng con, stress nên không kiềm chế cảm xúc dc cứ hay la mắng con, sau đó thì cảm thấy có lỗi không biết các ba mẹ có giống em không? Phải làm sao để kiềm chế cảm xúc mà vẫn có thể dạy bảo được con nhỉ?".

Ngay bên dưới là hàng ngàn bình luận than thở và những câu chuyện về các bé bướng bỉnh, khó bảo. Chị H tâm sự: "Mình có một bé gái 5 tuổi và một bé trai 20 tháng. Trước đây bé gái rất ngoan, nhưng từ 3 tuổi đến giờ chỉ thích làm theo ý mình, thẳng thừng cãi cha mẹ. Mỗi khi bị mẹ mắng là bé đập phá đồ đạc, la khóc nhiều lúc tức phát điên".

Không riêng gì chị H, một bà mẹ khác cũng than thở: "Mình có một bé gái đang học lớp 5. Bình thường bé rất ngoan nhưng cũng có khi bé bướng chịu không nỗi. Có khi mình nói một đằng thì bé làm một nẻo, cụ thể là kêu học bài thì bé nói hôm nay con mệt quá, nhưng khi mình nói con mệt thì nghỉ ngơi cho khỏe thì bé không chịu nghỉ mà lại mang đồ hàng ra chơi hoặc chơi game. Có nhiều lúc mình cảm thấy bé làm như thế để cố tình chọc tức mình vậy. Mình la bé thì bé cứ lầm lầm lì lì rồi vào phòng đóng cửa nhốt mình trong đó”.

Các hành vi bướng bỉnh của trẻ không chỉ có vậy, chị Th chia sẻ "Bé nhà mình có thói xấu là ngồi lì xem tivi không chịu đi ngủ. Mẹ nói mãi không được nên thò tay tắt tivi, bé giãy nảy, chụp và ném tất cả đồ đạc xung quanh".

Thế mới thấy, với những trẻ lì bướng, chống đối, việc cha mẹ dọa nạt, quát mắng, đánh đòn trẻ hầu như là không có tác dụng giáo dục. 

Theo TS. Elizabeth Berger - bác sĩ tâm lý trẻ em và là tác giả cuốn Raising Kids with Character cho biết: “Nhiệm vụ của cha mẹ là kiểm soát tính ương bướng của con 1 cách bình tĩnh, tránh xung đột, gây căng thẳng với trẻ”.

Vậy cha mẹ nên xử lý thế nào khi trẻ bướng bỉnh?

Giúp trẻ bình tĩnh trở lại với góc bình yên 

Việc mắng trẻ lại không có tác dụng giáo dục. Ảnh minh họa

Cha mẹ có thể đặt một cái ghế ở một góc an toàn trong nhà và cái ghế đó không được rời chỗ khác. Kế bên nghế không để gần bất kỳ cái gì khác. Và cho trẻ ngồi vào đó. Mục đích của góc bình tĩnh là giúp cho trẻ lắng xuống, để trẻ có khả năng quản lý cảm xúc, tình cảm của mình.

Lưu ý là trong lúc này, cha mẹ tuyệt đối không thuyết giảng hay cố tình trách móc, quát mắng trẻ. Đơn giản chỉ là yêu cầu trẻ ngồi tại đó để bình tĩnh lại mà thôi.

Động viên và khen ngợi con khi cần thiết

Thái độ, cách đối xử của người lớn với con cũng là nguyên nhân hình thành nên sự bướng bỉnh, khó bảo ở trẻ. Chính bởi vậy, muốn thay đổi một đứa trẻ cứng đầu, bố mẹ cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.

Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn.

Đừng cố bắt ép trẻ làm điều gì đó

Trẻ nhỏ cũng có tâm tư, nhu cầu và sở thích riêng vì thế bố mẹ đừng cố bắt ép các bé làm những điều mà bé không muốn bởi khi ấy các bé sẽ có xu hướng nổi loạn và không chịu nghe lời.

Ví dụ, bé đang ngồi xem tivi rất vui vẻ nhưng đã quá giờ đi ngủ. Khi ấy, nếu mẹ quát mắng, bắt bé đi ngủ ngay lập tức thì chắc chắn mẹ sẽ nhận được một tiếng “không” cùng với thái độ vùng vằng, khó chịu. Thay vào đó, mẹ nên ngồi lại và cùng thưởng thức chương trình đó với con một lúc, sau đó nhẹ nhàng khuyên bảo bé đi ngủ.

Cư xử với trẻ dựa trẻ mức độ cảm xúc và bình tĩnh của trẻ

Muốn thay đổi một đứa trẻ bướng bỉnh, bố mẹ cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Ảnh minh họa

Một em bé khi bướng bỉnh sẽ trải qua nhiều cấp độ cảm xúc, cha mẹ cần dựa vào đó để biết khi nào nên im lặng và khi nào nên dạy trẻ.

Cấp độ 1: Giận dữ

Điều này cha mẹ có thể nhận ra thông qua tiếng hét/la rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể/bản thân/người khác. Tuy nhiên, thời gian nó diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.

Cấp độ 2: Giận dữ và buồn bã

Bắt đầu bằng sự mếu máu và khóc, giẫy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian bướng bỉnh .

Cấp độ 3: Xin đừng chạm vào tôi

Trẻ bắt đầu có những biểu hiện giãy nẩy lên khi bạn cố chạm vào bé hoặc dỗ dành bé. Thời gian diễn ra khá ngắn, khoảng 10% tổng thời gian bướng bỉnh.

Cấp độ 4: Trẻ cần sự yêu thương và thấu hiểu 

Bắt đầu với biểu hiện trẻ giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng chịu khó nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé. Thời gian này cũng khá ngắn, chỉ 10%

Cấp độ 5: Con đã hết giận và không còn bướng bỉnh

Não trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận gữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc. Đây là thời điểm cha mẹ nên nói chuyện, lắng nghe con giải thích và đưa ra lựa chọn hoặc để bé đề xuất ý kiến giải quyết.

Điều quan trọng nhất trong việc giáo dục một em bé bướng bỉnh là người làm cha làm mẹ cần biết kiểm soát cảm xúc của chính bản thân mình, lắng nghe con và đặt mình vào vị trí của trẻ nhiều hơn. Khi đó những bất đồng giữa cha mẹ và trẻ cũng sẽ không còn nữa.

M.Nguyệt (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tre-buong-binh-cac-me-nen-lam-gi-de-khong-phai-xi-khoi-quat-con-a545251.html