Nhóm nghiên cứu cho biết đây là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất ở Đức trong 40 năm qua và giữ bí mật địa điểm khai quật chính xác để đề phòng kẻ trộm. Công tác khai quật được tiến hành sau khi các thợ xây phát quang mảnh đất để xây trang trại nuôi gà và bắt gặp nghĩa trang hoàng tộc.
Dù chủ nhân ngôi mộ có địa vị cao, các nhà nghiên đến từ Bảo tàng Tiền sử Halle vẫn chưa tìm thấy hài cốt của vị hoàng tử. Họ suy đoán tro cốt của người chết có thể nằm trong một chiếc vạc đồng ở trung tâm ngôi mộ kích thước 4 x 4 m. Bao quanh vạc đồng là hài cốt của 6 người phụ nữ chôn theo vòng tròn. Nhóm nghiên cứu cho rằng họ có thể là thê thiếp của vị hoàng tử. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa rõ những người phụ nữ bị giết để mai táng cùng người chết hay tự quyên sinh.
Theo nhà khảo cổ Susanne Friederich ở viện bảo tàng, còn quá sớm để kết luận đó là nghi thức chết tập thể. Friederich và cộng sự đã nhấc chiếc vạc đồng khỏi lớp đất và mang về phòng thí nghiệm để phân tích cẩn thận.
Bên trong ngôi mộ ở chính giữa nghĩa trang còn có bộ xương của 11 con vật bao gồm gia súc, chó và ngựa, chứng tỏ nơi chôn cất dành riêng cho người địa vị cao trong xã hội. Các phát hiện khác bao gồm một chiếc cốc thủy tinh nguyên vẹn trang trí nhiều đường vân uốn cong, đèn bấc và kẹp áo.
Friederich cho biết nghĩa trang có tổng cộng gần 60 ngôi mộ. Nhóm nghiên cứu ước tính khu vực này có niên đại từ năm 480 đến 530, thời kỳ chứng kiến nhiều bộ lạc German xêm chiếm lãnh thổ mới sau khi đế quốc La Mã sụp đổ.
Ngôi mộ của hoàng tử German nằm trong một hố trũng tự nhiên, được bao phủ bởi lớp trầm tích dày 1,2 m, giúp bảo vệ công trình khỏi những thợ săn kho báu hoặc kẻ trộm mộ. Thông qua phân tích hài cốt và cổ vật, các nhà khoa học hy vọng có thể hiểu thêm về cuộc sống của người dân địa phương trong thời Trung cổ.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-canh-ngoi-mo-co-cua-hoang-tu-german-va-6-the-thiep-a545258.html