Không mua được nhà, đàn ông chưa đủ khả năng lấy vợ

Đã có nhà riêng được coi như tiêu chuẩn cơ bản khi tính đến chuyện kết hôn ở các nước châu Á. Nếu không, người đàn ông sẽ bị coi là chưa đủ khả năng lo cho vợ con.

“Ở Trung Quốc, nếu bạn không mua nhà, xe cho con trai, nó sẽ ế vợ”, người phụ nữ hành nghề lái taxi họ Zhang ở Thượng Hải, khẳng định chắc nịch.

Tại nhiều nước châu Á, sự ổn định về kinh tế được coi là yếu tố tối quan trọng khi tìm kiếm bạn đời bởi quan niệm an cư lạc nghiệp bén rễ sâu sắc.

Có một mái nhà riêng, ổn định nơi ăn chốn ở rồi mới tính đến chuyện kết hôn, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái là niềm tin chung của đông đảo bộ phận cha mẹ lẫn người trẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống lắm áp lực và giá nhà đắt đỏ tại các đô thị hàng đầu châu Á như Seoul (Hàn Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) đẩy mong muốn có nhà ở thành mơ ước xa vời.

“Không có tiền mua nhà, không nên lập gia đình” trở thành vấn đề gây đau đầu vì khó tìm cách giải quyết.

Tại nhiều nước châu Á, việc đàn ông phải có nhà, có xe trước khi kết hôn được coi là tất yếu. Ảnh: SCMP.

Lười kết hôn vì không có nhà riêng

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là điều người dân Hàn Quốc vẫn thường nói khi nhắc đến chuyện dựng vợ gả chồng.

Trách nhiệm mua đất, xây nhà thuộc về nam giới, còn phụ nữ sẽ lo những chuyện nhỏ hơn như nội trợ, sắm sửa nội thất. Một căn hộ nhỏ được coi là điều kiện cơ bản nhất nếu muốn lấy vợ, sinh con tại xứ kim chi.

Chính vì vậy, muốn tính lâu dài đến chuyện hôn nhân, đàn ông Hàn Quốc gặp không ít gánh nặng, nhất là với chi phí nhà đất thuộc diện đắt đỏ hàng đầu.

Chàng trai 30 tuổi Yoon Hwan từng rất sung sướng khi người bạn gái lâu năm đồng ý lời cầu hôn. Nhưng cũng rất nhanh chóng, vấn đề “cơm áo gạo tiền” buộc anh phải suy tính lại chuyện lập gia đình.

Số tiền Yoon dành dụm được mới chỉ dừng ở mức 10 triệu won. Trong khi đó, con số cần để mua một căn hộ có diện tích nhỏ nhất ở Seoul cao gấp ít nhất 80 lần.

Dù muốn kết hôn, giá nhà đất cao được coi là trở ngại lớn nhất khiến giới trẻ Hàn Quốc lười kết hôn. Ảnh: Korea Times.

Nhà chưa có, việc lấy vợ, sinh con đẻ cái vẫn nằm ngoái tầm với vì Yoon không tin tưởng mình sẽ đem lại một tương lai no đủ cho người thân.

Không chỉ mình anh, hàng trăm nghìn người trẻ ở xứ củ sâm chung nỗi niềm tương tự. Hệ quả từ giá nhà đắt đỏ là một thế hệ người trẻ Hàn ở độ tuổi lập gia đình lười kết hôn vì không đủ điều kiện kinh tế.

Tháng 9/2018, giá trung bình cho căn hộ ở Seoul cao kỷ lục, đạt mức 829 triệu won (hơn 16,3 tỷ đồng), tăng gấp đôi so với cuối năm 2008, theo dữ liệu của ngân hàng KB Kookmin.

Điều đó đồng nghĩa với việc một người có mức lương trung bình sẽ phải tiết kiệm toàn bộ tiền trong hơn 20 năm, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 35 triệu won (khoảng 700 triệu đồng).

Ngay cả khi chấp nhận vay tiền, họ cũng sẽ phải mất hàng chục năm để chi trả hết khoản nợ khổng lồ đè nặng lên vai.

Suy nghĩ “Không có tiền mua nhà, không nên lập gia đình” dần xuất hiện nhiều hơn khi giới trẻ tại các nước châu Á không xoay xở đủ tiền sắm nhà riêng. Ảnh: Reuters.

Đàn ông có nhà dễ lấy vợ hơn

Tương tự ở Hàn Quốc, có nhà và ổn định kinh tế trước khi lập gia đình là điều bắt buộc với nam giới Trung Quốc.

Điều này có thể lý giải từ góc độ mất cân bằng giới tính sâu sắc xảy ra ở quốc gia này. Chính sách một con tồn tại qua nhiều thập kỷ dẫn đến một hậu quả: thừa nam thiếu nữ.

Tại nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính là 100 bé trai/88 bé gái (theo số liệu năm 2018), các cô gái có quyền lựa chọn nhiều hơn khi lấy chồng.

Trong đó, những chàng trai có gia cảnh, điều kiện kinh tế khá giả sẽ có lợi thế lớn hơn khi lấy vợ. Một trong những yếu tố thể hiện sự cạnh tranh rõ nhất chính là nhà ở.

So với các mặt hàng tiêu dùng khác như ôtô, quần áo hàng hiệu hay đồng hồ đắt tiền, những ngôi nhà có diện tích lớn, vị trí cố định và giá cả dễ dàng được xác minh trở thành yếu tố hấp dẫn hơn cả.


 

Với tình trạng thiếu nữ thừa nam sâu sắc, nam giới Trung Quốc với điều kiện kinh tế khá giả có nhiều lợi thế hơn khi lấy vợ. Ảnh: Getty.

Tháng 3/2015, một cuộc khảo sát nhỏ của tờ Shanghai Daily chỉ ra kết quả có đến 80% bà mẹ phản đối việc con gái mình kết hôn với chàng trai chưa có nhà riêng.

Điều này cũng tạo ra áp lực cho các gia đình có con trai ở Trung Quốc khi bố mẹ ra sức làm lụng, tích cóp mua nhà để con dễ lấy vợ hơn.

Chưa hết, đàn ông tiếp tục nuôi tham vọng những ngôi nhà lớn hơn, đắt tiền hơn với hy vọng nâng cao địa vị của họ trên “thị trường hôn nhân”. Vòng xoáy cạnh tranh đẩy nhu cầu bất động sản tỷ lệ thuận với giá nhà tăng theo mức chóng mặt, vượt xa thu nhập trung bình của người dân nước này.

Vợ chồng nhưng "ai ở nhà nấy"

Tại Hong Kong, nơi mỗi m2 đất luôn có giá trên trời, những cặp vợ chồng hiểu rõ hơn ai hết sự bất tiện của việc không có nhà riêng.

Lam Lok và Jason Chou nên vợ nên chồng vào năm 2015, sau 3 năm hẹn hò. Song, cho đến giờ, cả hai và cô con gái nhỏ tên Yu vẫn sống tách biệt tại nhà bố mẹ đẻ của mỗi người.

Tại Hong Kong, khi đồng ý lấy nhau, nhiều cặp vợ chồng Hong Kong chấp nhận việc từng người sẽ ở vẫn nhà bố mẹ đẻ, không sống chung.

Lý do đằng sau sự khó hiểu này: Hai vợ chồng không có đủ tài chính để chi trả mua nhà có đủ diện tích ở cho cả 3 thành viên. Số tiền cần bỏ ra để chi trả cho một căn nhà cơ bản cao gấp 21 lần thu nhập trung bình hàng năm của gia đình.

Đồng ý lấy nhau, tức là họ đã chấp nhận cảnh là vợ chồng nhưng “ai ở nhà nấy”.

Dân cư đông đúc, cộng với chính sách hạn chế sử dụng đất của chính quyền, giá nhà tại đặc khu này cứ tiếp tục tăng phi mã trong vòng 10 năm qua.

Theo thống kê, cứ 10 cặp vợ chồng tại Hong Kong thì có 1 cặp không sống chung cùng nhau. Năm 2018, 12% số lượng người đã lập gia đình vẫn chịu cảnh ở cùng với bố mẹ đẻ một cách bất đắc dĩ.

Tình trạng “nhà ai người đó ở” của các gia đình có thể kéo dài từ năm này qua năm khác mà không có biện pháp giải quyết triệt để. Ở tuổi 69, ông Ma Hoi Shing vẫn phải chịu cảnh sống khác nhà với người vợ 62 tuổi của mình.

Không gian sống của cả hai chỉ vỏn vẹn 5,5 m2, không có cửa sổ. Vợ ông - bà Jin - cứ cách vài tháng lại quay trở về nhà riêng ở Hàng Châu.

Nguyên nhân đến từ việc bà phát bệnh khi phải sinh hoạt trong căn hộ tù túng, bí bách. Còn ông Ma, dù cô đơn khi phải ở một mình, ông không còn lựa chọn nào khác.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khong-mua-duoc-nha-dan-ong-chua-du-kha-nang-lay-vo-a545320.html