Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết 8 tháng đầu năm, UBND TP và Sở Y tế đã ban hành 7 quyết định xử lý vi phạm hành chính các cơ sở không phép trong lĩnh vực thẩm mỹ viện, chăm sóc da, spa, phẫu thuật thẩm mỹ không phép trên địa TP (có thực hiện tiêm filler, botox…). Tổng số tiền xử phạt là hơn 728 triệu đồng.
Hành nghề không phép, làm quá chuyên môn...
Các hành vi vi phạm chính đó là cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, theo quy định; hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép; lập sổ khám, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Có 4 cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép bị buộc dừng hoạt động, buộc xóa gỡ quảng cáo sai quy định.
Thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế liên tục phát hiện các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” trong các chung cư, tòa nhà cao cấp. Rất nhiều trường hợp bị tai biến sau khi làm ở các điểm thẩm mỹ “chui”.
Tìm hiểu kỹ trước khi chọn nơi làm đẹp
Từ những vụ việc hành nghề thẩm mỹ, làm đẹp không phép, sai phép, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn..., Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo đến người dân lưu ý khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và các dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, đó là:
Đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như phun, xăm, thêu trên da; spa, chăm sóc da thông thường: phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, có bảng hiệu rõ ràng. Các cơ sở này không được thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy, hút mỡ và các dịch vụ xâm lấn liên quan đến y tế.
Đối với các cơ sở có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy, tiêm filler, tiêm truyền trắng da, lăn kim hay các dịch vụ có gây chảy máu khác, cắt mí, nhấn mí…, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi được cấp phép, danh mục kỹ thuật cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có niêm yết giá cụ thể, chi tiết.
Các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ lớn như: nâng ngực, hút mỡ…. phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra các ứng dụng tiện ích để người dân thuận tiện phản ánh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm; tra cứu cơ sở khám, chữa bệnh, chọn lựa hay quyết định sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho mình. Các ứng dụng được tích hợp vào điện thoại để người dân truy cập thông tin, gồm:
Tra cứu cơ sở khám, chữa bệnh. Phần mềm quản lý danh mục kỹ thuật. Y tế trực tuyến để người dân cung cấp các thông tin: cơ sở hoạt động không phép, hoạt động quá phạm vi được làm, quảng cáo vượt quá phạm vi hay các cơ sở có dấu hiệu vi phạm…
Ngoài ra người dân có thể tra cứu các cơ sở y tế có sai phạm đã được Sở Y tế TP công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế hoặc Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để người dân được biết và giám sát.
Sở Y tế khuyến cáo người dân phải tìm hiểu rõ ràng, cẩn thận chọn lọc các thông tin quảng cáo thẩm mỹ trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử trước khi đi làm đẹp cho mình.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/7-co-so-tham-my-o-tp-hcm-bi-phat-hon-728-trieu-dong-a545332.html