Những vụ xâm hại trẻ em suýt bị "chìm xuồng"
TAND thành phố Hà Nội vừa mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Phạm Văn Chung (SN 1963, trú tại Ba Vì, Hà Nội) về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Cuối cùng, tên "yêu râu xanh" là hàng xóm của nạn nhân đã phải trả giá trước pháp luật. Chung bị tuyên phạt 16 năm tù giam vì đã có hành vi hiếp dâm 2 bé gái hàng xóm.
Thế nhưng, việc đưa tên Chung phải trả giá trước pháp luật là một hành trình rất dài. Trong hành trình đó, chị P. (mẹ của 2 bé gái) đã từng ngậm ngùi, tặc lưỡi định bỏ qua hành vi của Chung vì sợ những lời đàm tiếu, những lời dị nghị ảnh hưởng đến tương lai của các con mình.
Từ tháng 4/2019, cháu H. (SN 2006, con gái chị P.) bị hàng xóm là Phạm Văn Chung nhiều lần xâm hại tình dục. Đến tháng 6/2019, chị P. phát hiện con gái có nhiều biểu hiện bất thường nên đã mua que thử thai cho cháu thử. Người mẹ tá hỏa khi phát hiện con gái mang thai. Khi mẹ gặng hỏi thì cháu mới kể lại các lần bị Chung xâm hại. Thế nhưng, vì sợ tai tiếng nên chị đã không trình báo công an mà đưa cháu đến nhà bà trạm trưởng y tế xã để kiểm tra và "xử lý" hậu quả.
Tới ngày 15/8/2019, cháu H. đi chăn bò đã gặp bà Nguyễn Thị N. là người trong Ban kế hoạch hóa gia đình của thôn. Cháu đã kể với bà N. về việc được mẹ đưa đi hút thai. Nghi ngờ cháu bị xâm hại, bà N. đã gặng hỏi nhưng cháu lo sợ không dám trả lời. Hôm sau, bà N. đã báo với Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em của xã. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã cử cán bộ Hội LHPN xã tới nhà cháu H. để tìm hiểu sự việc. Khi biết cháu H. bị Chung xâm hại tình dục, chính quyền địa phương đã có văn bản tố giác tới cơ quan công an. Sau đó, mẹ cháu H. cũng đã có đơn tố giác hành vi của Phạm Văn Chung.
Như vậy, với trường hợp này, phải đến nhiều tháng sau, kẻ xâm hại trẻ em mới bị tố giác, việc này vừa khiến nạn nhân luôn sống trong lo lắng, bất an đồng thời gây khó khăn cho công tác điều tra, vạch trần hành vi phạm tội của đối tượng.
Trước đó, cách đây vài năm, tại thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) cũng từng xảy ra một vụ xâm hại tương tự. Nạn nhân là bé gái 3 tuổi bị cụ ông hàng xóm hiếp dâm (người này sau đó bị tuyên phạt 8 năm tù). Khi phát hiện sự việc, bà Đ. (bà ngoại cháu bé) đã cùng người thân sang nhà hàng xóm để nói chuyện phải trái, chứ không có ý định tố giác hành vi phạm tội. Phải nhiều ngày sau, khi cuộc nói chuyện, thương lượng giữa 2 bên bất thành, bà Đ. mới đưa cháu ra Công an huyện để trình báo. Chính sự chậm trễ, muộn màng này cho nên vụ án đã kéo dài trong nhiều năm, khiến công tác điều tra gặp vô cùng khó khăn.
Hay vụ nữ sinh lớp 9 ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) bị bác rể xâm hại tới mang thai, sinh con cũng tương tự với các vụ trên. Khi phát hiện con có biểu hiện bất thường, mẹ cháu đã đưa con đến phòng khám trên địa bàn để siêu âm thì tá hỏa phát hiện con mang thai gần đến ngày sinh. Lúc này, mẹ mới gặng hỏi thì cháu kể lại những lần bị bác rể cưỡng bức, khi thì đi chăn bò, lúc ở nhà một mình. Bức xúc, phẫn nộ với hành vi đồi bại nhưng mẹ cháu lại không tố giác hành vi mà lại gọi hung thủ sang nhà để nói chuyện. Sau khi không thể nói chuyện với nhau, mẹ cháu mới tố giác hành vi đồi bại tới chính quyền địa phương.
Đó là 3 trong số rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em suýt bị "chìm xuồng" vì sự ngần ngại của bố mẹ, người thân.
Cần lên tiếng
Đó là quan điểm của các chuyên gia, luật sư khi đề cập đến vấn đề này. Theo nhiều chuyên gia, nếu chúng ta ngại ngần, sợ bị ảnh hưởng... thì kẻ xâm hại tình dục trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó với những trẻ khác, trong khi lẽ ra chúng phải vào tù để không còn ai trở thành nạn nhân của chúng nữa.
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nêu quan điểm, nếu phụ huynh hay giáo viên phát hiện con em mình, học trò mình hoặc một đứa trẻ hàng xóm có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, thì cần thông báo cho UBND phường, xã, cơ quan công an hoặc các phòng LĐ-TB-XH hoặc Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 bất cứ lúc nào.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy - Chuyên gia tâm lý, nhiều người sợ, ngại, xấu hổ không dám tố cáo kẻ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ vì muốn giữ thể diện cho trẻ và cho gia đình. Điều này tưởng là tốt cho trẻ nhưng thực ra lại mang đến nỗi đau lớn cho trẻ. Trẻ bị XHTD sẽ vô cùng tổn thương và căm hận kẻ xâm hại, mong kẻ đó phải bị trừng phạt. Thêm nữa, trẻ sẽ mặc cảm tội lỗi kéo dài nếu kẻ xấu không bị trừng trị, trẻ sẽ nghĩ có nguyên nhân từ trẻ, trẻ thêm mặc cảm, tự ti và nhiều trẻ đã muốn tự tử vì không chịu được nỗi mặc cảm tội lỗi, dơ bẩn của mình. Trẻ không biết mình là nạn nhân. Chỉ khi kẻ ác bị trừng phạt trước pháp luật, trẻ mới được giải tỏa tâm lý phần nào. Hơn nữa, nếu cha mẹ không tố cáo kẻ xấu, kẻ xấu có thể sẽ tiếp tục XHTD trẻ và cả nhiều trẻ khác nữa. Dù kẻ xấu có là máu mủ ruột rà với chúng ta, chúng ta cũng cần lên tiếng tố cáo họ để mọi người đề phòng, để họ không còn cơ hội hại thêm ai khác. Nếu chúng ta im lặng là chúng ta đồng lõa với kẻ xấu, dung túng cho kẻ xấu có cơ hội tiếp tục phạm tội. Khi chúng ta lên tiếng tố cáo kẻ xấu, tức là đang bảo vệ chính con em mình và những người khác.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận xét, hiện nay, nhất là vùng nông thôn vì tâm lý ngần ngại, lo lắng bị đàm tiếu nên cha mẹ thường chọn cách không tố giác ra cơ quan công an việc con bị xâm hại. Đến khi sự việc vỡ lở mới tố giác thì kẻ xấu đã có thời gian để che giấu hành vi của mình.
Theo luật sư Cường, khi phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ cần cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ. Sự an toàn cho con cần được quan tâm hàng đầu. Hỗ trợ tâm lý cho con là việc quan trọng cần làm ngay. Nếu cần, gia đình hãy tìm đến các chuyên viên tham vấn tâm lý để cả trẻ và cha mẹ được hỗ trợ tâm lý.
Với những vật chứng liên quan vụ XHTD như quần áo, ga trải giường, quà tặng, thư tay, tin nhắn... phải giữ lại. Đặc biệt là không làm mất các vết tích trên cơ thể trẻ khi phát hiện ra sự việc vì đây sẽ là chứng cứ quan trọng khi cơ quan chức năng điều tra, giải quyết vụ việc. Ngoài ra, khi khai thác thông tin từ trẻ, ghi nhận lại những tâm sự ban đầu của trẻ, bạn cần ghi âm lại để sau này có tư liệu làm việc với các cơ quan chức năng, tránh cho con mình phải kể đi kể lại nhiều lần gây tổn thương cho trẻ. Sau đó, bạn đưa con đến cơ quan công an nơi gần nhất để tố cáo và yêu cầu thực hiện các quy trình giám định pháp y.
Phụ huynh cần báo vụ việc cho công an ở nơi kín đáo. Yêu cầu cán bộ công an tiếp xúc với trẻ phù hợp: Nữ công an gặp trẻ em gái, nam công an tiếp xúc với trẻ em trai. Cha mẹ hoặc người giám hộ cần ở bên trẻ khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ ai.
Phụ huynh cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất. Nếu được tiếp xúc với một bác sĩ được đào tạo về các vấn đề liên quan đến XHTD thì sẽ là lựa chọn tốt nhất cho con.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/con-bi-xam-hai-bo-me-dung-nham-mat-bo-qua-cho-ke-lam-ton-thuong-con-minh-a545405.html