Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viên Bạch Mai vừa bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ nâng giá thiết bị y tế ở viện Bạch Mai. Ngoài ông Nguyễn Quốc Anh, các ông Nguyễn Ngọc Hiền- nguyên Phó giám đốc, bà Trịnh Thị Thuận, nguyên kế toán trưởng bệnh viện Bạch Mai cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Một ê kíp móc nối với nhau để làm nên chuyện tày đình cuối cùng đã bị lật tẩy.
Kẻ phạm tội nào rồi cũng phải trả giá nhưng với những người vốn mang danh thầy thuốc, gây tội trong trường hợp này sao thấy quá cay đắng. Chỉ vì đồng tiền mà họ, những thầy thuốc được người dân đặt niềm tin và hy vọng cuối cùng, được xã hội trọng vọng song đánh mất tất cả. Danh dự, niềm tin và hình ảnh đẹp đẽ của một bác sĩ, một Anh hùng lao động bị nhấn chìm.
Công trạng họ có bao lâu bỗng chốc cũng không còn ý nghĩa khi mà nhìn vào điều tàn ác họ gây cho bao bệnh nhân: Tổng chi phí mua máy robot rosa là hơn 10,9 tỉ đồng (10.989,42 triệu đồng) đã được họ câu kết nâng khống thành 39 tỉ đồng. Việc đội giá thẳng tay “một tấc lên trời” này khiến bao bệnh nhân phải gánh trả tới hàng chục triệu đồng thay vì vài triệu đồng như giá như thực tế. Đứng trước nguy cơ bệnh tật, thậm chí cái chết, mấy ai có khả năng từ chối một phương pháp, thiết bị có thể cứu mình, cứu người thân mình? Ai có thể mặc cả với người cứu mạng sống?
Biết bao gia đình từ người già đến trẻ nhỏ chấp nhận ăn đói mặc rách, thậm chí bán đi cả nguồn sinh kế hay chỗ trú thân để đưa người trong gia đình lên bệnh viện tuyến trung ương chạy chữa, vì nơi đó có thầy thuốc giỏi và máy móc hiện đại. Họ làm tất thảy trong hy vọng giành giật sự sống quý giá mà đâu biết rằng họ đang bị lợi dụng và nuôi béo những kẻ “ác quỷ” trục lợi mang danh thiên thần áo trắng.
Nâng khống giá thiết bị một tấc đến trời kia, không biết những kẻ tàn nhẫn ấy có nghĩ số tiền bị cướp đoạt đó có thể đẩy bệnh nhân nghèo đến cảnh nợ nần, tước đi khả năng tiếp tục chạy chữa của họ vì đã trở nên khánh kiệt sau ca mổ đắt đỏ?! Làm giàu trên nỗi đau đớn, bệnh tật và cả cái chết của bệnh nhân, thực không gì tàn ác bằng.
Trong khi đó, ở ngoài kia biết bao những bác sĩ xông lên tuyến đầu chống dịch COVID-19, biết bao thiên thần áo trắng ngày đêm không quản nguy hại cứu người.
Trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2020 của tạp chí Time có Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng.
Hồi đầu năm nay, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ đã nhanh chóng gây ra làn sóng sợ hãi và hoang mang tột độ. Thế nhưng, đây không phải là điều mới mẻ với tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ, người trong suốt 30 năm qua đã lần lượt đối mặt với HIV, SARS, MERS, Ebola và thậm chí là các cuộc khủng bố sinh học, tấn công bằng bệnh than hồi năm 2001.
Ông Anthony Fauci đã được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu, phát triển các biện pháp điều trị HIV/AIDS. Năm 2014, ông Fauci là người tham gia tuyến đầu chống dịch Ebola của chính phủ Mỹ. Theo chia sẻ của ông với tạp chí Sciencemag, khi đảm nhận điều trị trực tiếp cho người bệnh Ebola, ông muốn để mọi nhân viên thấy rằng ông sẽ không yêu cầu họ làm bất cứ việc gì mà bản thân ông không trực tiếp làm.
Trong khi nhiều người dân Mỹ đã hoảng sợ vì một y tá bị lây bệnh từ một du khách đến từ Tây Phi, chính tiến sĩ Fauci đã đối mặt với những nỗi sợ hãi đó bằng cách nêu gương cá nhân. Khi người y tá được ra viện, ông đã không ngần ngại ôm người nữ y tá trước máy quay và tuyên bố cô đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Với những đóng góp to lớn đó, không có gì khó hiểu khi trải qua 6 đời tổng thống kể từ thời Tổng thống Reagan tới thời Tổng thống Trump, ông vẫn luôn là một trong những vị cố vấn chuyên môn quan trọng của các tổng thống Mỹ khi phải ứng phó với một dịch bệnh.
Ở tuổi 79, vị chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của chính phủ Mỹ thuộc nhóm đối tượng nhân khẩu học có nguy cơ cao bị mắc bệnh COVID-19. Thế nhưng, ông vẫn làm việc ngày đêm từ 19 đến 20 tiếng mỗi ngày.
Trong một cuộc khảo sát được tờ báo điện tử Business Insider tiến hành với 1.900 cử tri Mỹ với câu hỏi: Ai là người họ tin tưởng nhất khi đưa ra nhận định về việc chấm dứt phong tỏa, người đứng đầu danh sách không ai khác chính là vị "bác sĩ của nước Mỹ" Anthony Fauci với tỷ lệ tín nhiệm lên tới 71%.
Giống như con chim đại bàng muốn bay cao phải có hai đôi cánh, người thầy thuốc muốn hành nghề tốt phải luôn có hai điều kiện là phải giỏi và phải có lòng thương người. Có tài phải có đức, cái tâm, đức trong nghề nào cũng cần, song nghề thầy thuốc càng cần hơn gấp bội phần, bởi họ đối diện với hai bờ sinh tử của một con người. Giữa lằn ranh đó, ai rắp tâm trục lợi thì không đáng làm người. Hãy có lòng nhân ái nếu đã chọn ngành y, chỉ cóó vậy mới xứng đáng với danh xưng cao quý dành cho những thiên thần áo trắng.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ke-truc-loi-giua-lan-ranh-sinh-tu-nguoi-mot-doi-cuu-giup-benh-nhan-a545609.html