Trước đó, tối ngày 30/9, chị H.T.H (SN 1989; ngụ phường Xuân Phú TP Huế) phải đưa con trai mình là cháu N.Đ.B.L (3 tháng tuổi), nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế do có triệu chứng sốt cao, dấu hiệu co giật.
Sau quá trình khám lâm sàng và xét nghiệm các bác sĩ kết luận cháu L. bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin phế cầu. Theo mẹ cháu bé , vào sáng 29/9, con trai chị tiêm mũi vắc xin Synflorix 0,5ml dịch vụ với giá hơn 1 triệu đồng để phòng ngừa các bệnh về phế cầu tại VNVC Huế.
Sau khi tiêm về thì cháu có biểu hiện sốt trên 38 độ C, gia đình chị đã liên hệ qua điện thoại với VNVC Huế và được hướng dẫn lấy khăn ấm lau người cho bé. Nhưng dấu hiệu sốt vẫn không dừng lại. Đến tối ngày 30/9, bé L. sốt gần 40 độ nên gia đình đưa vào viện cấp cứu.
Ngoài bé L., được biết hiện Bệnh viện Trung ương Huế cũng đang tiến hành điều trị cho một trường hợp khác. Đó là bé N.D.T. ( 9 tháng tuổi; ngụ phường Xuân Phú, TP Huế), nhập viện cấp cứu vào sáng ngày 29/9 với biểu hiện sốt cao, lên cơn co giật.
Trước đó, sáng ngày 27/9, bé T. tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản và sởi cũng tại VNVC Huế.
Sau khi nhận được thông tin, sáng cùng ngày, sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc 2 trẻ sơ sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi tiêm vắc xin tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên – Huế cho biết "Việc dẫn đến sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố bảo quản vắc xin, yếu tố thứ 2 là kỹ thuật khi tiêm vắc xin và cơ địa từng trẻ.
Các loại vắc xin luôn phải được bảo quản trong nhiệt độ lạnh từ 2-8 độ C tùy vào từng loại. Tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, có hệ thống tủ bảo quản, trong trường hợp điện bị ngắt, điện dự phòng sẽ kích hoạt hệ thống điều hòa nhiệt độ trong vòng chưa tới 30 giây".
Theo ông Đức, yếu tố bảo quản vắc xin là cực kỳ quan trọng, việc trẻ phát sốt sau khi tiêm vắc xin là bình thường nhưng bị sốt đến co giật sau khi tiêm từ 1-2 ngày là vấn đề nghiêm trọng. Thường các trẻ sau khi được tiêm phòng sẽ theo dõi tại chỗ khoảng 30 phút, hiện tượng sốc phản vệ nếu có sẽ xảy ra trong khoảng thời gian này, còn xuất hiện sốc phản vệ sau 1-2 ngày là hiếm gặp.
Sau 2 ngày nhập viện cấp cứu, tình trạng 2 cháu L. và T. đã tạm ổn định và có tiến triển tích cực.
Theo thông tin ban đầu của đoàn kiểm tra sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua làm việc, thu thập hồ sơ tại VNVC Huế, vào ngày 27/9 có 13 bé tiêm loại vắc-xin viêm não Nhật Bản và sởi cùng lô thuốc với bé T.; ngày 29/9 có 45 bé tiêm vắc-xin cùng lô với bé L..
Kiểm tra ban đầu khẳng định VNVC Huế có đầy đủ pháp lý hoạt động ở địa phương này, các loại vắc-xin trên rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, bảo quản đúng nhiệt độ theo quy định.
Tuy nhiên, để đưa ra nguyên nhân 2 cháu bé này nhập viện, đại diện sở Y tế Thừa Thiên - Huế cho biết, sẽ làm việc với Bệnh viện TW Huế để thu thập hồ sơ, bệnh án.
M.Nguyệt (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hue-nhieu-tre-so-sinh-nhap-vien-trong-tinh-trang-soc-sau-khi-tiem-vac-xin-a545701.html