Là mẹ của cậu con trai nhỏ nên chị Trần Ngọc luôn tâm niệm việc nội trợ là trách nhiệm chăm sóc và là tình yêu của mình đối với gia đình. Mỗi ngày trôi qua chị Thoa đều lên ý tưởng và biến tấu món khác nhau để cậu con trai Đức Nguyên (tên ở nhà là Zin) 28 tháng tuổi hào hứng ăn uống. Khi chia sẻ những bữa ăn của bé lên mạng xã hội, chị nhận “cơn mưa” lời khen và được phong là “bà mẹ quốc dân”.
Chị Ngọc chia sẻ, chi phí cho bữa ăn của bé cũng không quá tốn kém, các nguyên liệu nấu đều được chị cọn theo tiêu chí đầu tiên là sạch. "Các nguyên liệu tươi sống như rau xanh, cá, thịt,… mình sẽ xem xét về nguồn gốc, xuất xứ. Hàng ngày bà nội của Zin sẽ cung cấp rau sạch cho bạn ý vì xung quanh nhà bà trồng rất nhiều loại rau và mình sẽ tìm mua các loại rau củ hữu cơ được trồng tại Đà Lạt để bổ sung thêm vào thực đơn hàng ngày. May mắn của mình là sống cạnh biển nên bạn Zin được ăn rất nhiều loại cá biển và con có xu hướng thích ăn cá hơn các loại đạm khác.
Về các loại gia vị dùng để nêm nếm vào thức ăn cho, con mình sẽ đọc rất kĩ thành phẩn trước khi mua. Các loại gia vị phải có nhãn Organic và có xuất xứ rõ ràng".
Chị Trần Ngọc cũng tâm sự, nguyên tắc nấu nướng của chị khá đơn giản. Chị linh hoạt trong việc đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho con.
"Các bữa ăn của bé mình sẽ cố gắng cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Khi con còn nhỏ, mình sẽ giới thiệu rau cho bé trước để tạo thói quen ăn rau. Ngoài ra, mình còn cho bé làm quen với các loại hạt, ngũ cốc siêu dinh dưỡng như đậu lăng, quinoa, hạt lanh, đậu gà,...
Mình chú trọng bổ sung các vitamin, khoáng chất cho bé từ thức ăn như bổ sung kẽm từ hàu; bổ sung sắt từ các loại đậu, cải bó xôi, thịt bò và trong dĩa cơm sẽ có các loại quả có vị chua như cam, kiwi để tăng hấp thu sắt từ thức ăn".
Mẹ 9X cho biết, từ lúc bé ăn dặm tới nay, chị luôn tuân thủ đúng quy tắc không ép bé ăn để tránh con sợ hãi, biếng ăn sau này. Chị kiên nhẫn cùng con bước qua các giai đoạn khó chịu và đợi chờ đến khi con thèm ăn trở lại.
"Tuyệt đối không được ép con ăn dưới các hình thức, nếu con có xu hướng thích ăn hơn uống sữa thì các mẹ cắt bớt sữa của con, tuyệt đối không cho con ăn vặt. Áp dụng quy tắc bàn ăn triệt để, khi con ham chơi, muốn ra khỏi bàn ăn thì mẹ sẽ giải thích cho con hiểu rằng nếu con ra khỏi bàn ăn thì bữa ăn sẽ kết thúc. Sau đó mẹ sẽ ăn thức ăn của con kiểu ngon quá, ngon như này mà con bỏ lỡ phí thế. Sau vài lần bị bỏ đói vì ra khỏi bàn ăn thì chắc chắn con sẽ ăn uống nghiêm túc hơn.
Con ăn thức ăn xay, đồ nhuyễn sẽ dẫn tới chức năng nhai kém, một thời gian dài sẽ dẫn tới biếng ăn. Để con không biếng ăn, các mẹ nên chú trọng tăng thô theo đúng giai đoạn phát triển của trẻ, kết hợp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để tránh mất cân bằng dinh dưỡng", chị Ngọc chia sẻ.
Điều đặc biệt là nhìn những đĩa thức ăn mà chị chuẩn bị cho con tuy rất cầu kỳ và công phu như vậy, nhưng chị chia sẻ rằng mình chỉ mất khoảng từ 15 đến 10 phút để chuẩn bị bữa ăn cho các con. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chị thường dành 15 phút để xem ngày mai công việc như thế nào, có khoảng bao nhiêu thời gian nấu ăn rồi lên thực đơn hợp lý nên không mất nhiều thời gian.
"Khó khăn nhất trong việc hoàn thành dĩa cơm cho con chính là thời gian nấu bữa trưa của con. Vì mình phải đi làm nên bữa trưa mình sẽ ưu tiên các món dễ chế biến".
Chị Ngọc cũng cho biết thêm, bản thân chị đã nghiên cứu rất kĩ những kĩ năng cấp cứu tại nhà để đề phòng con bị hóc, nghẹn. "Bé ăn dặm đồng nghĩa với việc sẽ có khi bị hóc đồ ăn Đối với trường hợp bé nhà mình, mình sẽ ngồi xem để con tự xử lý. Quan trọng khi bé bị hóc đồ ăn là cha mẹ phải bình tĩnh, không la hét hay vỗ bàn vỗ ghế làm con hoảng sợ. Mình có một lời khuyên trước khi cho bé ăn dặm, ba mẹ nên chuẩn bị thật kỹ kiến thức xử lý khi bé bị hóc, không cho bé nằm ăn mà phải ngồi ghế thì việc bị hóc đồ ăn sẽ giảm hẳn".
Với chị, việc chế biến đồ ăn cho con cứ dần dần mà thành niềm vui, đam mê từ lúc nào không hay. Hãy cùng ngắm thêm những bữa ăn chẳng khác gì "thiên đường ẩm thực" mà chị Ngọc đã chế biến cho bé yêu của mình:
Ảnh: NVCC
Thu Hằng