Sững sờ phát hiện con gái mắc tiểu đường, mẹ khóc ngất khi biết lý do

Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người trẻ tuổi không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng nếu không được kiểm soát thì cũng gây nguy hiểm như người lớn.

Gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Hầu hết nhiều người nghĩ rằng chỉ có người lớn mới mắc bệnh tiểu đường nhưng trên thực tế rất nhiều trẻ nhỏ đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Trường hợp bé gái 14 tuổi ở Bắc Kinh vừa qua là một ví dụ điển hình. Chia sẻ về việc này, các bác sĩ cho biết, cô bé được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nguyên nhân rất có thể do tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện trong chế độ ăn hàng ngày.

Được biết, do công việc bận rộn nên người mẹ thường mua bánh ngọt sẵn ở nhà để bé ăn sáng và ăn vặt sau khi tan học. Do không thích ăn cơm, bé đã tự ý cắt cơm trưa tại trường, tiền bữa cơm trưa đó, bé dành để mua bánh và các món ăn vặt. Việc này mẹ của bé không hay biết cho đến khi phát hiện bệnh.

Bệnh nhi điều trị tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết TƯ. Ảnh Vietnamnet

Tại Việt Nam, cũng có những trường hợp trẻ nhỏ bị tiểu đường. Mới đây bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiểu đường type 2 cho bé gái mới 13 tuổi. Từ nhỏ, bé gái đã thích uống nước ngọt, uống đều đặn hàng ngày nên lớn lên, cân nặng tăng nhanh ở mức béo phì. Khi đến bệnh viện khám, chỉ số glucose trong máu của bệnh nhi lên tới 11, trong khi ở mức 6,5 đã được chẩn đoán mắc tiểu đường.

Theo các bác sĩ, bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người trẻ tuổi không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng nếu không được kiểm soát thì cũng gây nguy hiểm như người lớn, nguy cơ ảnh hưởng thận, mắt, hệ thần kinh, tim – mạch máu, gây cao huyết áp, các chuyển hóa về đạm, axit béo ngày một nặng, hệ miễn dịch suy yếu… là khó tránh khỏi.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị tiểu đường

Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em không dễ nhận ra. Tuy nhiên, hãy chú ý đến những triệu chứng dưới đây ở trẻ:

Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em thường được gây ra bởi chế độ ăn uống không lành mạnh. Ảnh minh họa

Hay khát và tiểu nhiều: Biểu hiện dễ thấy nhất là khát nhiều, uống nhiều và đi tiểu nhiều. Đường tích tụ quá nhiều trong máu khiến thận phải làm việc tích cực hơn để lọc và hấp thu lượng đường dư thừa.

Háo ăn: Bệnh nhân đói nhiều hơn bình thường, có thể đói dữ dội kéo dài ngay cả sau khi ăn. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu insulin nên đường trong máu tuy cao nhưng đường trong tế bào vẫn bị thiếu hụt, khiến các mô cạn kiệt năng lượng.

Mệt mỏi: Bệnh nhân có thể thường xuyên mệt mỏi. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, trong đó có tình trạng thiếu nước do đi tiểu nhiều và các tế bào bị đói, cạn kiệt năng lượng, làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể.

Sụt cân: Bệnh nhân mất nhiều năng lượng do bị thải nhiều đường qua nước tiểu. Tuy người bệnh phải ăn nhiều hơn bình thường để giảm cảm giác đói, nhưng do mô không nhận đủ năng lượng từ đường trong thức ăn nên cơ thể phải lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy trước đó, dẫn tới giảm cân nhanh chóng.

Nhìn mờ: Lượng đường trong máu cao dẫn tới tình trạng rút dịch từ các mô, trong đó có mô thủy tinh thể của mắt. Điều này ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh tiêu cự của người bệnh.

Da sẫm màu: Kháng insulin có thể khiến da bị sẫm màu, nếu trẻ bị tiểu đường tuýp 2 có thể nhận thấy vùng da ở nách và cổ sậm màu hơn những vùng khác.

Vết thương lâu lành: Các vết loét hoặc nhiễm trùng khó hoặc lâu lành có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2.
 

M.Nguyệt (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sung-so-phat-hien-con-gai-mac-tieu-duong-me-khoc-ngat-khi-biet-ly-do-a545904.html