Nhiều bậc cha mẹ có thói quen cho con nằm sấp trên ngực và và ngủ quên khi chưa đặt trẻ nằm ngủ một cách ngay ngắn. Tuy nhiên, tư thế ngủ này tiềm ẩn nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Đôi khi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra với những đứa trẻ trông hoàn toàn khỏe mạnh và không có dấu hiệu nào của bệnh. Nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân tử vong khi khám nghiệm tử thi.
Như trường hợp bé 9 tháng tuổi tại Trung Quốc đã đột tử do ngủ trong tư thế nằm sấp. Cụ thể, đứa trẻ ngủ trong tư thế nằm sấp sau khi mới uống sữa xong, không ngờ sau đó ít lâu, người chăm sóc mới phát hiện đôi môi cửa đứa trẻ đã tím tái, vội vàng đưa trẻ đi cấp cứu. Khi đến viện, chức năng tim phổi của đứa trẻ đã ngừng hoạt động. Dù được cấp cứu nhưng đứa trẻ không may mắn đã qua đời.
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hầu hết xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới một tuổi, đa số xảy ra khi trẻ nằm sấp khi ngủ. Lí do là vì, nằm sấp sẽ làm gia tăng áp lực lên cơ hàm của trẻ và làm hẹp đường thở, giảm đi lượng không khí lưu thông trong cơ thể. Hơn nữa, lượng khí dưới mặt gối của trẻ không có sự trung hòa hay làm mới nhiều như bên ngoài. Như vậy, trẻ sẽ không hít được nhiều không khí phục vụ cho quá trình hô hấp của cơ thể, dẫn tới thiếu oxy và ngưng thở...
Làm sao để hạn chế tỷ lệ đột tử khi ngủ ở trẻ?
Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ
Có nhiều bằng chứng xác đáng cho thấy là nằm ngửa khi ngủ làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử. Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP-American Academy of Pediatrics) đưa ra vào năm 1992, tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 1 tuổi cần được nằm ngửa khi ngủ.
Đặt trẻ nằm nghiêng khi ngủ cũng không phải là ý kiến tốt vì khi ngủ trẻ có thể lăn người và trở thành nằm sấp.
Một số phụ huynh cũng có thể quan tâm đến vấn đề đầu của trẻ bị méo khi mà trẻ nhỏ nằm ngửa quá lâu làm hộp sọ phía sau đầu bị dẹt.
Mối quan tâm này khá phổ biến nhưng có thể khắc phục bằng cách thay đổi thường xuyên tư thế của bé và cho bé nằm ngửa nhiều hơn khi thức.
Tất nhiên, khi trẻ được khoảng 4-7 tháng tuổi thì trẻ có thể lật, lẫy do đó khó có thể bắt trẻ nằm ngửa để ngủ cả đêm. Khi đó tốt nhất là để trẻ tự tìm cho mình tư thế ngủ thích hợp.
Ngoài ra còn có những biện pháp khác để giảm thiểu hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
- Tránh đặt các vật mềm trên gường ngủ của bé: Cha mẹ nên tránh đặt các vật mềm hoặc các đồ vật có nhiều lông trên giường của bé. Bởi, những đồ vật này có thể làm nghẹt đường thở của bé khi ngủ.
- Bố mẹ không nên ngủ cùng giường với bé: Trẻ có thể ngủ cùng phòng với bố mẹ nhưng bố mẹ không nên cho bé ngủ cùng giường. Đôi khi, bố mẹ có thể vô tình đè, bịt mũi, bịt miệng bé khiến bé bị ngạt thở.
- Không để bé ngủ trên salon hoặc ghế dài.
- Giữ nhiệt độ phòng của bé vừa đủ ấm. Không nóng quá, không lạnh quá.
- Không để khói thuốc lá ảnh hưởng đến bé. Tốt nhất là bố mẹ và người thân hãy bỏ thuốc lá.
- Mẹ nên cho con bú càng lâu càng tốt. Trên thực tế, sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ mà sữa mẹ còn có thể giảm nguy cơ đột tử ở trẻ rất hiệu quả.
M.Nguyệt (T/h)