Thời tiết chuyển mùa là lúc cơ thể chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi, không mấy dễ chịu và trẻ em cũng vậy. Hầu hết trẻ nhỏ đều trải qua cảm lạnh ít nhất một vài lần bởi vì hệ hô hấp của bé dễ tổn thương bởi các tác nhân thời tiết. Những dấu hiệu đặc trưng dễ thấy khi trẻ cảm cúm là nghẹt mũi, hắt xì, sổ mũi...
Tình trạng con sụt sịt, mè nheo và nhõng nhẽo vì khó chịu khi bị cúm của con cũng làm cho nhiều bậc cha mẹ cảm thấy sốt ruột và lo lắng vô cùng.
Chị T.L (Hưng Yên) cho biết, cứ hễ thời tiết thay đổi là bé gái 16 tháng tuổi lại sổ mũi, tịt mũi và hắt xì hơi, sau đó nóng sốt, quấy khóc lười ăn. Khi ấy, hết vợ chồng, bà nội, đêm đêm phải thay nhau bế, dỗ bé vì bé bị ngạt mũi khó chịu, mệt mỏi, không ngủ được. Tình trạng đó cả ngày lẫn đêm khiến gia đình ai cũng bị ảnh hưởng.
Để giúp trẻ xoa dịu những triệu chứng của cảm cúm, cha mẹ hãy tham khảo cách chưa trị an toàn, hiệu quả dưới đây.
Bổ sung vitamin C cho trẻ
Để trẻ có sức đề kháng cao, có thể tránh được bệnh cúm, cha mẹ cần tăng cường hệ miễn dịch cho con bằng cách bổ sung vitamin C hàng ngày. Theo các chuyên gia về sức khỏe, vitamin C còn có tác dụng tuyệt vời trong phòng ngừa các biến chứng của cúm như viêm phổi.
Các mẹ có thể bổ sung vitamin C cho con từ cá loại thực phẩm như rau bắp cải hoặc một ly nước cam vào buổi sáng là tốt nhất.
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều
Trẻ bị cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.
Do đó, các bậc mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất để cho trẻ nghỉ ngơi. Hãy cho trẻ ngủ nhiều hơn hoặc cho trẻ đến một nơi thoáng mát, thoải mái để chơi đùa.
Xoa dầu cho trẻ
Xoa dầu là cách giúp trẻ ngủ ngon hơn và dễ thở hơn khi bị cảm cúm. Trước khi sử dụng dầu, bạn nên hỏi ý kiến của bác sỹ. Các bậc cha mẹ cũng nên nhớ khi xoa dầu thì cần tránh xoa dầu lên những vùng nhạy cảm của trẻ như mắt, miệng…
Dùng giấy mềm lau mũi
Khi thấy trẻ bị chảy nước mũi, mẹ hãy dùng giấy mềm để chấm mũi cho con. Nếu lau mũi thường xuyên bằng khăn mặt hoặc giấy cứng có thể khiến cho mũi bị đỏ và dễ bị kích thích, vì vậy, hãy dùng loại khăn càng mềm càng tốt.
Đối với trẻ sơ sinh bị chảy nước mũi, hãy dùng dụng cụ hút mũi để hút các mũi nhầy ra. Tuy nhiên, sau đó cần nhỏ nước nhỏ mũi dành cho trẻ sơ sinh để mũi con đỡ bị khô. Hoặc mẹ có thể rửa mũi cho con bằng nước muối thường xuyên.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh cúm, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin cúm, vệ sinh thân thể và đặc biệt giữ ấm cho trẻ khi ngủ, nhất là vào thời điểm lúc nửa đêm, trẻ hay vã mồ hôi và lạnh ở gan bàn chân. Cha mẹ cần chú ý lau mồ hôi khi con vã mồ hôi bởi lúc này nhiệt độ cơ thể bốc hơi sẽ gây lạnh, rất dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.
Cần cách ly trẻ bị cúm với những người trong gia đình ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng cúm. Trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, nên cho trẻ đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cảm cúm cho những người khác.
Trẻ mắc cúm nhưng sốt sau 7 ngày mà bệnh vẫn không giảm hoặc tái sốt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.
M.Nguyệt (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-dieu-can-lam-khi-tre-bi-cam-cum-trong-mua-lanh-cha-me-nen-het-suc-luu-y-a545981.html