Vừa mới chớm lạnh, nhiều mẹ Việt đã mắc những sai lầm khiến con dễ ốm hơn

Những ngày giao mùa, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách, không nên quá lo lắng dẫn đến sai lầm gây ốm cho trẻ.

Cách giữ ấm sai lầm cha mẹ vẫn đang làm

Nhiều cha mẹ mặc cho con quá kin khi thời tiết vừa chớm lạnh. Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, thời tiết thay đổi bất thường nhưng vẫn trở lạnh về đêm và sáng, do đó các bậc cha mẹ vẫn có thói quen cho cho con mặc quá kín vì sợ trẻ lạnh, sức đề kháng kém. Nhiều bà mẹ khi được góp ý còn tỏ vẻ khó chịu vì nghĩ mặc kín, mặc ấm cho con trẻ sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Theo các bác sĩ việc giữ ấm trẻ quá mức là sai lầm mà các mẹ thường mắc phải nhất, trẻ giảm khả năng thích ứng với nhiệt độ bên ngoài.

Chia sẻ trên Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa nhi, BV Bạch Mai cho biết, việc giữ ấm cho trẻ là cần thiết khi trời trở lạnh nhưng không có nghĩa ủ ấm quá mức. Cách làm này còn gây bệnh cho trẻ vì trẻ chưa thể tự điều hòa thân nhiệt của mình tốt như người lớn. Giữ ấm quá mức làm thân nhiệt trẻ tăng cao, nhất là khi trẻ vận động làm toát mồ hôi, mồ hôi thấm vào lớp áp trong gây ra lạnh người trở lại. Ứ đọng mồ hôi bên trong nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, dẫn tới bệnh về da liễu.

Vì vậy mặc quần áo cho con cũng phải đúng cách. Khi trời lạnh, mặc quần áo cho trẻ phải đảm bảo giữ ấm cổ và gáy, số lượng quần áo tăng lên từ từ để trẻ thích nghi và tăng khả năng chịu lạnh, nếu thấy trẻ đổ mồ hôi thì cần giảm bớt.

Ban đêm, khi ngủ cần giữ ấm cho trẻ theo nguyên tắc 4 vị trí gồm cổ, ngực, bụng và chân. Da chân của trẻ có nhiều đầu mút thần kinh, là nơi rất nhạy cảm với thế giới bên ngoài, nên cần giữ ấm chân cho trẻ khi đi ngủ.

Những điều cha mẹ cần lưu ý

 Khi mặc nhiều quần áo sẽ dẫn đến hiện tượng tăng thân nhiệt, mồ hôi vã ướt lớp quần báo bên trong. Ảnh minh họa

Lau mặt bằng nước lạnh và bảo vệ da: Một số mẹ cảm thấy thời tiết hanh khô khi chuyển lạnh nên thường giảm tần suất rửa mặt cho con, hạn chế tắm.

Nhưng thực tế, do thời tiết hanh khô, lớp sừng của trẻ tăng lên do da thiếu độ ẩm, nếu việc vệ sinh da mặt không kĩ sẽ dễ khiến bụi bẩn đọng lại trên da mặt, trẻ ít tắm sẽ ngứa ngáy bẩn thỉu, điều đó trở nên vô cùng bất lợi cho da và sức khỏe.

Bởi vậy, các mẹ cần rửa mặt cho trẻ ít nhất 2 lần mỗi ngày, nên rửa mặt bằng nước lạnh để nâng cao khả năng thích ứng với lạnh của trẻ, nhiệt độ của nước khoảng 10⁰C là hợp lí nhất.

Da trẻ có thể khô, dễ nứt nẻ ở môi và mặt, cả bàn tay và bàn chân nhất là khi bị bẩn, vì thế mà việc bôi kem chống nẻ cũng rất cần thiết.

Rửa sạch mũi hàng ngày: Để trẻ không nhiễm các bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, các mẹ nên rửa mũi cho con hàng ngày, tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lí đã được làm ấm để bảo vệ niêm mạc mũi.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lí rất an toàn, dễ thực hiện và không gây hại cho mũi, có tác dụng loại bỏ dịch tiết, vi khuẩn gây bệnh và các chất độc hại khác trong khoang mũi.

M.Nguyệt (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vua-moi-chom-lanh-nhieu-me-viet-da-mac-nhung-sai-lam-khien-con-de-om-hon-a546051.html