Hà Nội: Nhiều của hàng bán điện thoại ở Thái Hà nói không với VAT

Không xuất được hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), chỉ xuất VAT cho điện thoại có giá từ 2 triệu đồng trở lên nhưng khách hàng phải trả thêm 10%… đó là những tình trạng đang xảy ra tại nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay (ĐTXT) trên tuyến phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội.

Hàng nhập khẩu, bỏ “V” đi cho… giá nó tốt!

Trong khi các hệ thống bán lẻ như Thế giới di động, FPT Shop… chiếm phần lớn trong phân khúc các thiết bị điện thoại chính hãng thì ĐTXT lại do các cửa hàng tư nhân nắm giữ.

PV Đời sống và Pháp luật đã khảo sát hàng chục shop điện thoại, phụ kiện di động trên tuyến phố Thái Hà, quận Đống Đa, TP. Hà Nội – nơi được xem là “thiên đường ĐTXT” và ghi nhận tình trạng  “kẻ bán – người mua” vô cùng tấp nập.

Theo tìm hiểu của PV, các cửa hàng có sự cạnh tranh rất lớn khi liên tục giới thiệu về sản phẩm mới với giá trị rẻ hơn so với đối thủ. Thậm chí, chế độ bảo hành, hậu mãi còn được chào mời hơn cả “hàng xịn”. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung là sản phẩm bán không có hóa đơn VAT.

Cụ thể, tại Oneway Mobile địa chỉ số 66 Thái Hà, khi PV đề nghị mua một chiếc máy điện thoại Iphone và hỏi về VAT, nhân viên cho biết: “Xuất hóa đơn sẽ mất thêm 10% VAT nhưng hàng này chưa có “V”. Nhân viên này cũng nói lý do: “Hàng này là nhập khẩu, bỏ “V” đi cho giá nó tốt!”.

Thế nhưng, khi PV mua một sản phẩm phụ kiện với giá 200.000 VNĐ và yêu cầu xuất hóa đơn, cũng như đồng ý thêm 10% VAT, nhân viên  bán hàng lại cho rằng: “200 nghìn thì hóa đơn đỏ hơi khó, 200 nghìn không làm được hóa đơn”. (!?)

Sản phẩm được mua tại cửa hàng Oneway Mobile

Tại cửa Galaxydidong (94 Thái Hà), PV tiếp tục mua một sản phẩm điện thoại Samsung và yêu cầu hóa đơn VAT thì nhân viên kinh doanh tại đây khẳng định: “Anh phải mua hàng hãng thì mới xuất được, hàng xách tay thì không có”.

Tương tự, tại cửa hàng TechOne (113 Thái Hà), các nhân viên cũng đưa ra câu trả lời từ chối xuất, trừ khi khách “chấp nhận mất thêm 10% và trên hóa đơn sẽ ghi cùng mức giá với sản phẩm”.

Bên cạnh đó, với những sản phẩm dưới 2 triệu đồng, TechOne chỉ cấp hóa đơn bán hàng do cơ sở tự in và không có giá trị pháp lý về thuế.

TechOne không xuất VAT cho sản phẩm dưới 2 triệu có đúng quy định?

Ngoài các cửa hàng trên, PV cũng tham khảo một loạt giá cả và nguồn gốc sản phẩm tại Techworld, Mobile City… Kết quả đều nhận được câu trả lời giống nhau.

Dấu hiệu trốn thuế và rút hầu bao người tiêu dùng?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Mai Quốc Việt - Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, cho biết: “Thực tế, chưa có quy định cụ thể, định nghĩa thế nào là hàng hóa xách tay. Thông thường, “hàng xách tay” được các “con buôn” thể hiện rằng, là hàng hóa được thông qua hải quan, theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh theo Điều 59 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP”.

Luật sư Việt cũng nêu giả thiết: “Nếu hàng hóa có đủ hóa đơn chứng từ, thì việc cửa hàng yêu cầu người mua phải chịu thêm 10% để lấy hóa đơn VAT là phù hợp đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu hàng hóa là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ thì ngay từ ban đầu là hàng hóa trốn thuế, không được kê khai. Do vậy, việc yêu cầu người mua phải chịu thuế suất 10% đối với hàng hóa nhập lậu là không phù hợp với bản chất tính thuế VAT, và đây có thể coi là một hành vi ép buộc, rút túi người tiêu dùng”.

Liên quan tới vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì đối với những trường hợp mua hàng hoá có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, người mua không lấy hoá đơn thì chủ cửa hàng vẫn phải có trách nhiệm lập hoá đơn”.

Cũng theo Luật sư Bình, những trường hợp muốn dùng các biện pháp để không phải đóng thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…) như trên đều có thể bị xử lý hành chính hoặc nặng hơn là xử lý về tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Hàng hóa nhập lậu, trốn thuế sẽ làm mất tính cân bằng trong cạnh tranh thương mại giữa hàng nội và hàng ngoại, đồng thời làm thất thu thuế xuất nhập khẩu và các sắc thuế khác của Nhà nước, dẫn đến ngân sách bị thất thu một khoản khổng lồ. Ngoài ra, việc lưu thông hàng hóa, kinh doanh những mặt hàng “né thuế” làm loạn thị trường nội địa, gây ách tắc cho tiêu dùng trong nước.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để làm rõ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và thuế; đồng thời đưa ra chế tài đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng này” -  Luật sư Bình nhấn mạnh.

PV Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin…

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-nhieu-cua-hang-ban-dien-thoai-o-thai-ha-noi-khong-voi-vat-a546146.html