Học theo trò treo cổ trên Youtube, bé gái tử vong thương tâm
Sự việc bé gái V.T.D. (5 tuổi ở TP.HCM) tử vong vì học theo cách treo cổ trên Youtube xảy ra mới đây đã khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình sửng sốt. Người nhà của cháu bé cho biết, bình thường D. cùng cháu nhỏ khác hay xem Youtube cùng nhau. Vì tivi của gia đình có kết nối Internet nên có thể bật Youtube trên tivi, các cháu thường hay tự bật và xem.
Theo chị Nguyệt - dì ruột của cháu D, thì D. là một cô bé bình thường, luôn vui tươi, được mọi người trong nhà yêu thương, không có bất thường về tâm lý nên việc cháu nhiều lần chơi trò treo cổ khả năng lớn là do học theo trên Youtube.
Thực tế, đã có không ít trường hợp các cháu bé gặp nguy hiểm do học theo những hành động trên Youtube. Tháng 11/2019, một cháu bé 7 tuổi (ngụ tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã bị hôn mê vì làm trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" như trên Youtube.
Cháu bé này đã dùng khăn quàng buộc lên dây phơi đồ rồi treo cổ. Lúc gia đình phát hiện thì hai chân cháu cách mặt đất 20cm, mặt, môi tím, đi tiểu không tự chủ và hôn mê. Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cháu bé đã may mắn qua khỏi. Khi tỉnh dậy, gia đình hỏi vì sao lại làm như vậy thì cháu bé hồn nhiên trả lời rằng, cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên Youtube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên Youtube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.
Hay một cháu bé khác cũng bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính giống như siêu nhân người nhện.
Cha mẹ nên làm gì?
Thực tế còn rất nhiều các kênh Youtube với những nội dung phản cảm, độc hại, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu bé học theo như: Thử thách sống trên sông, cắm trại trên mái nhà, sống trong thùng các tông 1 ngày, giải cứu em bé bị treo trên trần nhà... Và câu chuyện của cháu V.T.D. là một minh chứng rất rõ ràng và đau lòng.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM), cho biết cách mà người lớn vô tư cho trẻ sử dụng điện thoại sẽ khiến trẻ trở nên hung hãn khi bị lấy lại và dần vô cảm với thế giới xung quanh. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể có hành vi làm theo các hành động bạo lực, gây tổn thương đến cơ thể trẻ.
Chính vì vậy, bố mẹ cần hết sức cẩn thận, kiểm soát kỹ càng nội dung của những video mà con xem hàng ngày trên Youtube, lựa chọn kênh chính thức cho con xem, kiểm soát thời lượng xem, chỉ theo những kênh hữu ích, bỏ theo dõi các kênh phản cảm hoặc tải về cho bé xem dưới hình thức offline... Đừng phó mặc bé hoàn toàn cho những món đồ điện tử dễ gây nghiện và hoàn toàn có thể gây hại cho con.
Về phía nhà trường cần kết hợp gia đình giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, phù hợp theo từng lứa tuổi để các em có khả năng sàng lọc thông tin trên internet, định hướng cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân, nhận biết những video, trang web độc hại... tự bảo vệ mình an toàn trên môi trường mạng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp quản lý, ngăn chặn, loại bỏ kịp thời những hiện tượng, nội dung tiêu cực ảnh hưởng xấu tới lối sống của thế hệ trẻ, hướng tới xây dựng và định hướng những giá trị, nội dung phù hợp thị hiếu, tâm lý lứa tuổi khác nhau của con trẻ.
M.Nguyệt (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cha-me-nen-can-trong-khi-cho-con-xem-youtube-truoc-khi-qua-muon-a546236.html