Chị Victoria Dawson, đến từ Lincolnshire (Anh) đã không thể giữ nổi bình tĩnh kho tận mắt chững kiến cậu con trai bé bóng bỗng mềm oặt trong tay mình do bị sặc sữa. Điều đáng nói là Eddie bị sặc sữa trong khi đang bú mẹ. Và chỉ trong tích tắc, cơ thể của bé trai sinh non trước 8 tuần đã chuyển sang màu xám.
Người mẹ này kể: "Mẹ con tôi được xuất viện về nhà được một tuần sau khi Eddie không cần phải bú thông qua ống dẫn thức ăn nữa. Con đã bú mẹ rất tốt. Nhưng hôm đó, tôi đang cho con bú thì đột nhiên Eddie bị ho văng cả sữa bắn tung tóe ra ngoài. Tôi vội nhấc cao đầu con lên nhưng con tôi hoàn toàn mềm oặt".
Thấy con không ổn, bà mẹ này liền la to lên để anh Alex, chồng của chị, chạy đến. Chị Victoria đã yêu cầu chồng gọi xe cấp cứu trong khi mình đang làm hô hấp nhân tạo cho con.
Chị kể tiếp: "Tôi đã đưa một ngón tay nhẹ nhàng vào miệng Eddie để xem còn sữa hay không, tôi không nhìn thấy gì nhưng tôi biết con đã bị sặc. Tôi liền lật sấp con lại và vỗ vài cái vào lưng Eddie nhưng con tôi vẫn mềm nhũn. Vì đã bị vàng da bẩm sinh nên cơ thể con biến từ màu vàng sang màu xám. Tôi có thể thấy con đã ngừng thở nên vội vàng đặt con xuống sàn là làm hô hấp nhân tạo. Thật sự lúc đó tôi rất cuống, tôi không biết mình đã thổi vào miệng con bao nhiêu hơi, nhưng may quá, con tôi đã hít một hơi thật sâu và mạch đập trở lại".
Sau đó, xe cứu thương đến đã cho đứa trẻ thở oxy và đưa đến bệnh viện kiểm tra. Còn bà mẹ này, sau những giây phút kéo con thoát khỏi tay tử thần đã khóc nức nở, chị chia sẻ rằng cái khoảnh khắc hô hấp nhân tạo cho con có lẽ sẽ là khoảnh khắc dài nhất trong cuộc đời của chị. Và phải mất đến mấy ngày sau, chị mới cảm thấy đủ bình tĩnh và bớt sợ hãi để cho con bú trở lại.
Những điều mẹ cần lưu ý khi cho con bú để tránh tình trạng trẻ bị sặc sữa
Khi phát bé bị sặc sữa, các mẹ cần sơ cứu và gọi người hỗ trợ và nhanh chóng thực hiện sơ cứu sặc sữa bằng động tác vỗ lưng, ấn ngực.
Ấn ngực
Sau khi vỗ lưng lật ngửa trẻ trên cánh tay phải. Dùng 2 ngón tay trái ấn phần nửa dưới của xương ức 5 cái; động tác này làm tăng áp lực trong lồng ngực, giúp tống dị vật ra ngoài.
Vỗ lưng
Dùng tay trái giữ chặt vùng cung gò má của trẻ, giữ cho đầu hơi thấp, cổ và thân trẻ thẳng hàng nằm trên cánh tay trái, đầu hơi thấp. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái vào lưng giữa phần xương bả vai, nhanh mạnh và dứt khoát.
Lúc này, nếu trẻ vẫn chưa tự thở, chưa khóc thì chúng ta thực hiện lại động tác vỗ lưng, ấn ngực lần 2 và có thể lặp lại từ 6 đến 10 lần
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện sữa hoặc dị vật bị trào ra thì ta làm sạch, có thể kết hợp hà hơi thổi ngạt, thông khí cho trẻ trong lúc vỗ lưng, ấn ngực. Khi bé có tiếng ho là bé đã tái lập lại nhịp thở và nhịp tim, ta dừng động tác vỗ lưng ấn ngực. Làm sạch cho bé, lau sạch, giữ ấm và chuyển bé đến cơ sở y tế.
Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng trẻ bị sặc sữa, các mẹ thỉnh thoảng nên kéo trẻ ra khỏi vú, để con lấy lại nhịp thở và bú chậm lại. Mẹ có thể cho con ngưng bú trong 20 đến 30 giây đầu tiên khi sữa bắt đầu xuống.
Khi bế cho con bú, mẹ nên ngồi thẳng lưng, dùng khuỷu tay đỡ đầu của con. Cơ thể của trẻ phải nằm nghiêng và quay về phía vú mẹ với cánh tay phía trong được kẹp giữa bụng mẹ và bụng bé. Mẹ hãy chọn cho mình một tư thế cho con bú thoải mái nhất, bạn có thể ôm con vào lòng hoặc đặt con trên một chiếc gối đặt trên đùi.
Đối với trẻ bú bình, cha mẹ nên để bình sữa song song với mặt đất. Điều này giúp em bé kiểm soát được dòng chảy của sữa. Đồng thời, kỹ thuật này cũng cho phép bé chủ động kéo sữa ra khỏi bình bằng khả năng mút của mình, cũng như khi nào muốn ngừng bú, con cũng dừng lại dễ dàng.
Nhật Hạ (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dang-bu-be-trai-so-sinh-bong-ngung-tho-lai-them-mot-sai-lam-cac-me-hay-mac-phai-a546310.html