Người trẻ trước khi tự sát: Bài 1: Những dấu hiệu đặc biệt

Sự việc một nữ sinh 18 tuổi ở Quảng Nam tìm đến cái chết mới đây thêm một lần nữa khiến nhiều người muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao em muốn chết?”.

Phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Võ Văn Bản – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viên Việt Pháp, Chủ tịch Hội tâm lý Trị liệu Việt Nam quanh việc cần làm gì để góp phần hạn chế cái chết ở độ tuổi thanh xuân.

Tủi phận toan bài quyên sinh

Gần đây, một nữ sinh tại Quảng Nam đã tìm đến cái chết ở độ tuổi 18, quyết định này được cho là có thể do em không đủ điểm đỗ vào trường đại học Luật. Dưới góc độ chuyên môn, xin ông giúp độc giả của Người Đưa Tin Pháp luật nhìn nhận rõ hơn về câu chuyện giới trẻ tự sát từ trường hợp này?

Thực ra chẳng phải đến tận bây giờ mới có chuyện tự tử vì áp lực. Người ta tự tìm đến cái chết vì những bế tắc đã có từ rất lâu. Chuyện này đã từng đi vào văn học, thơ ca. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã nói đến điều này: “Giận duyên, tủi phận, bời bời/ Cầm dao, nàng đã toan bài quyên sinh”. Như vậy, tự sát đã có từ rất xa xưa.

Ở thời đại này tự sát có vẻ nhiều hơn, tỷ lệ có vẻ ngày càng tăng, đặc biệt ở giới trẻ và trẻ tuổi vị thành niên.

Không chỉ ở Việt Nam, tại các nước phát triển như Mỹ tỷ lệ tự sát cũng khá cao, thường gặp ở độ tuổi từ 15-34, sau đó đến độ tuổi từ 10 -14.

Gia đình - Người trẻ trước khi tự sát: Bài 1: Những dấu hiệu đặc biệt
Bố của nữ sinh 18 tuổi ở Quảng Nam đau buồn trước sự ra đi đột ngột của con gái. (Ảnh: Người Lao Động)

Trẻ vị thành niên là lứa tuổi khá đặc biệt, chưa phải là người lớn nhưng không còn là trẻ con. Trẻ ở độ tuổi này luôn muốn tự khẳng định mình, nhưng lại chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, nhân cách chưa hoàn thiện, đôi lúc lại có những điều chẳng muốn chia sẻ, có khi lại khép kín, nhút nhát. Tâm lý này ở trẻ vị thành niên trở nên nghiêm trọng hơn trong cuộc sống hiện đại vì những áp lực. Trẻ phải đối diện với rất nhiều áp lực, từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè và cả những người khác xung quanh mình.

Bên cạnh đó, việc trẻ thiếu sự quan tâm từ những người thân thiết như bố mẹ cũng gây hệ luỵ vô cùng lớn. Ngày nay, các bậc phụ huynh thường rất bận, từ đó sự quan tâm, chia sẻ với con cũng ít. Thế nên, giữa bố mẹ và con cái không có thời gian để trò chuyện, chia sẻ. Chính vì thiếu sẻ chia, cảm thông và các áp lực đè nặng mà những đứa trẻ không thể chịu nổi khi gặp thất bại và rồi tìm đến cái chết. Đó là cái kết rất đau buồn cho gia đình, cho xã hội. Đây rõ ràng là hồi chuông báo động cho tất cả.

Người càng có kinh tế, thời gian dành cho con càng ít. Sáng con dậy bố mẹ đã đi làm, tối bố mẹ về con đã đi ngủ.

Sẽ luôn có biểu hiện

Trẻ vị thành niên thường biểu hiện ra bên ngoài thế nào trong cuộc chiến tâm lý dữ dội này thưa ông?

Mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau vì phụ thuộc vào hoàn cảnh sống. Sự chuyển biến tâm lý ở trẻ, bố mẹ hoàn toàn có thể nhận ra nếu quan tâm đến con. Sẽ luôn có những biểu hiện. Chỉ là do người lớn không để tâm vì không có thời gian hoặc coi nhẹ chúng.

Đó có thể là ánh mắt buồn, bỗng dưng nói ít đi, cho đi một món đồ vô cùng yêu mến, đôi khi nói về cái chết,…

Gia đình - Người trẻ trước khi tự sát: Bài 1: Những dấu hiệu đặc biệt (Hình 2).
PGS.TS Võ Văn Bản – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp, Chủ tịch Hội tâm lý Trị liệu Việt Nam chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.

Theo ông, khi nhận diện được những dấu hiệu, bố mẹ, người thân cần làm gì?

Khi một đứa trẻ gặp khó khăn, người gần nhất có thể giúp trẻ chính là bố mẹ, sau đó là thầy cô giáo và tiếp đến là bạn bè. Chúng ta nên chia sẻ, cảm thông, giải thích để trẻ hiểu rõ vấn đề và khuyến khích trẻ vượt qua. Trường hợp nặng hơn phải đưa đến các trung tâm. Nặng nữa phải uống thuốc, phải đến bệnh viện.

Hầu hết những người tự sát, nguyên nhân cốt yếu là trầm cảm.

Ông có thể phân tích rõ cơ chế vận hành tâm thần của một người có ý tự sát?

Hầu hết những người tự sát, nguyên nhân cốt yếu là trầm cảm. Khi bị trầm cảm, những suy nghĩ tiêu cực luôn ở trong não của họ. Tâm trạng buồn, suy nghĩ chết chóc đi cả vào trong giấc ngủ. Ý nghĩ đó xuất hiện một cách mãnh liệt cả trong ý thức và vô thức. Nó thôi thúc người bị trầm cảm thực hiện hành động tự sát.

Quan sát ánh mắt, dung mạo

Thưa ông, cần có những phương pháp, căn cứ và những biểu hiện gì để đánh giá mức độ trầm cảm của một người?

Chúng tôi có những bộ câu hỏi kiểm tra (trắc nghiệm tâm lý) để xác định mức độ trầm cảm của bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi quan sát ánh mắt, dung mạo, ngôn ngữ, hành vi… Với các nhà tâm lý, tâm thần học, chúng tôi tập trung vào đôi mắt, vì đôi mắt là phóng chiếu mọi hoạt động của não bộ. Sợ, chán nản, vui,… đều thể hiện ở ánh mắt, nét mặt.

Trầm cảm là hậu quả của sự rối loạn các chất chuyển hoá thần kinh trong não.

Như vậy, người trầm cảm nhất định phải đến gặp chuyên gia, đến bệnh viện để điều trị?

Đúng như vậy. Các chuyên gia sẽ xác định chính xác mức độ trầm cảm. Thuốc sẽ giúp cân bằng lại những chất chuyển hoá này. Nhưng, các loại thuốc thường có tác dụng sau 2 tuần sử dụng. Liều dùng tùy thuộc vào từng cá thể người bệnh. Vì vậy, tốt nhất khi phải dùng thuốc nên vào bệnh viện để theo dõi.

Lời khuyên của bác sĩ

Lời khuyên của ông dành cho những gia đình có người bị bệnh trầm cảm là gì?

Tôi cho rằng nên đưa người bệnh vào viện. Trường hợp muốn ở nhà, phải có người giám sát 24/24. Đặc biệt, người bệnh không được ở nhà tầng, trong nhà không được có những vật dụng có thể gây tổn thương như dây thừng, dao,…

PGS.TS Võ Văn Bản là chuyên gia trong lĩnh vực: Trầm cảm, Nghiện chất, Nhân cách, các hội chứng liên quan đến tâm vận động (TIC, Giles de la Tourette...) và các phương pháp đánh giá. Ông hiện là Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp và là Chủ tịch Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-tre-truoc-khi-tu-sat-bai-1-nhung-dau-hieu-dac-biet-a546402.html