Bản tin sáng 21/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Tính đến 6h ngày 21/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Từ 18h ngày 20/10 đến 6h ngày 21/10 không ghi nhận ca mắc mới. Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 49 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.929, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 168; Cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.678; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.083.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại 1.046/1.141 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi. Hiện nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca; Số ca âm tính lần 3 là 3 ca. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Trong diễn biến có liên quan, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4982/UBND-KT, về chi phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo nội dung công văn trên, về chi phí cách ly: Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định. Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn và các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế.
Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam phải chấp hành chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành. Chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 là một nguồn tài chính của cơ sở y tế. Các cơ sở y tế có trách nhiệm sử dụng nguồn tài chính thu được theo quy định để thực hiện công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh, bảo đảm không trùng lặp với các đối tượng ngân sách nhà nước cấp kinh phí để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Về chi phí khám, điều trị dịch bệnh COVID-19: Đối với người Việt Nam, tiếp tục do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định. Đối với người nước ngoài, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sớm báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian bộ Y tế báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Liên quan đến chi phí khám, điều trị bệnh khác trong thời gian cách ly y tế tập trung: Đối với người có bảo hiểm y tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; cá nhân tự chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có). Đối với người không có bảo hiểm y tế, cá nhân tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức giá do cấp có thẩm quyền quy định theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
UBND thành phố yêu cầu tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có phạm vi thanh toán khám chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Bảo Đăng