Nguyễn Thị Phương Thảo là cái tên nổi tiếng trong thương trường không những ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Bà là nữ tỷ phú hàng không duy nhất của thế giới và là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Hiện bà đang đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank và nhiều chức vụ chủ chốt trong nhiều tập đoàn lớn.
Với khối tài sản lên đến 2,5 tỷ USD, tương đương khoảng 58.000 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phương Thảo đã vinh dự được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 25 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á. Gần đây, Bussiness Insider cũng công bố CEO Vietjet Air là nhân vật duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng 100 người thay đổi kinh tế khu vực châu Á. Cụ thể, nữ tỷ phú họ Nguyễn được vinh danh hạng mục Chuỗi cung ứng, bên cạnh các nhân vật nổi bật như bà Tan HooiLing - Đồng sáng lập Grab, ông Tony Fernandes - CEO Air Aisa hay ông Lee Seow Hiang - CEO sân bay Changi, Singapore,…
Gia thế khủng, triệu phú đô la ở tuổi 21
Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ 600 năm Nguyễn Cảnh. Năm 17 tuổi, Nguyễn Thị Phương Thảo lên đường du học Đại học ngành Kinh tế tài chính và nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng không chỉ với thành tích học tập xuất sắc mà còn có tài kinh doanh thiên bẩm.
Nữ doanh nhân gốc Hà Nội bước vào thương trường khi còn là sinh viên năm thứ 2. Nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu… Song song với đó, cô cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…
Theo thống kê của Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Với số vốn này, bà cũng bắt đầu chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.
Người làm nên cuộc cách mạng hàng không Việt Nam
Sau khi hoàn tất việc học của mình và quay trở về Việt Nam, Nguyễn Thị Phương Thảo góp vốn thành lập ra lần lượt ngân hàng Techcombank, VIB (2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam). Chưa dừng lại ở đó, cô tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với dự án rộng 65 hecta ở TP.HCM – Dragon City (Phú Long). Sau đó là lĩnh vực hàng không với vị trí Tổng Giám đốc Vietjet Air.
Dù được đào tạo bài bản về ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng, kinh tế và trở thành Tiến sĩ kinh tế vào năm 27 tuổi nhưng lĩnh vực đưa Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú đô la lại chính là hàng không. Bà được công nhận là: “Người làm nên cuộc cách mạng hàng không Việt Nam với mục tiêu ai cũng có thể bay”.
Được biết, trong một dịp gần Tết, Nguyễn Thị Phương Thảo cùng đoàn công tác đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao, có một bà mẹ hỏi: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay". Câu nói đó khiến nữ doanh nhân sinh năm 1970 cùng đồng nghiệp giật mình và cứ văng vẳng theo mỗi bước hoàn thành đề án thành lập hãng hàng không.
Vậy là Nguyễn Thị Phương Thảo quyết định quay sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ hướng tới những người chưa được đi và chưa từng dám mơ ước đặt chân lên máy bay. Hơn nữa, cô cũng cho biết bản thân hồi nhỏ cũng từng không ít lần ngước lên trời nhìn máy bay và lòng thầm ước một ngày mình được ngồi lên đó, được đến những nơi xa xôi mình chưa bao giờ được đặt chân tới.
Bên cạnh điều tiên quyết thực hiện "giấc mơ bay" cho mọi nhà thì kinh nghiệm gần 20 năm kinh doanh ở nước ngoài đã giúp Nguyễn Thị Phương Thảo có mối quan hệ và uy tín với các tập đoàn, các nhà tài phiệt và lãnh đạo quốc gia các nước.
Thời gian đầu, Nguyễn Thị Phương Thảo đã gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời đứng trước áp lực cạnh tranh của các ông lớn như Vietnam Airlines và con mắt nghi ngờ của thị trường. Không từ bỏ giấc mơ của mình, năm 2011 cô đã tự mở hãng hàng không tư nhân cùng chồng mình lấy tên là Vietjet Air. Sau 1 năm cất cánh, dưới sự chèo lái của người phụ nữ quyền lực này, thương hiệu Vietjet Air đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường và được nhiều người biết đến.
Bước đột phá lớn nhất của Vietjet Air cho đến thời điểm này chính là năm 2016. Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của một hãng tại Mỹ với giá 11,3 tỷ USD vào ngày 23/5/2016. Và đến năm 2019, Vietjet đã chiếm 40% thị phần nội địa, một con số đáng mơ ước.
Người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, Nguyễn Thị Phương Thảo luôn đi theo tôn chỉ nói không với chiêu trò, thay vào đó là việc mơ lớn, kinh doanh lương thiện và tự tin.
Trong suốt 120 năm lịch sử của ngành hàng không, nữ phi công đã hiếm, nữ CEO của một hãng hàng không lại càng hiếm hoi hơn. Ngay tại Việt Nam, một CEO thành công đã khó, nữ CEO thành công trong nhiều lĩnh vực cùng một lúc càng là điều khó để thấy được. Tuy nhiên, cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo lại nằm trong số “hiếm có khó tìm” đó, thậm chí cư dân mạng còn thường gọi bà là "Thảo Vietjet" như một thương hiệu của riêng.
Nhiều người từng tiếp xúc cho rằng, Nguyễn Thị Phương Thảo không phải là mẫu doanh nhân nói suông mà giống kiểu một “nữ chiến binh” có tinh thần lăn xả hơn. Nhân viên của cô kể, phòng làm việc của Tổng Giám đốc sáng đèn đến 2-3h sáng, kể cả những ngày nghỉ lễ, là chuyện bình thường.
Những ai đã từng tiếp xúc với Nguyễn Thị Phương Thảo đều có ấn tượng đặc biệt về nữ tỷ phú này. Không chỉ có vẻ ngoài điềm đạm, nhu mì thường xuất hiện với mái tóc buông dìa hoặc búi cao trên đỉnh đầu vốn đã trở thành thương hiệu, CEO Vietjet Air còn là người có nụ cười ngọt ngào, duyên dáng, khi nói chuyện luôn có tiếng “Dạ, thưa”. Cô từng được Tổng Giám đốc John Leahy của Airbus nhận xét là “người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung” bởi sự cứng rắn bên trong vẻ ngoài mềm mỏng mỗi khi đàm phán hợp đồng.
Sự lạc quan là mỹ phẩm tốt nhất cho phụ nữ
Ở tuổi 50, Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản khổng lồ, thế nhưng nữ tỷ phú từng chia sẻ bản thân chưa bao giờ ngồi đếm xem mình có bao nhiêu tiền và bước qua cánh cửa của ngôi biệt thự màu trắng, dường như đối với cô, chỉ còn thế giới của gia đình.
Tuy sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn giữ cốt cách của cô gái Hà Nội gốc. Nữ CEO tự mình chăm lo từng bữa cơm tối cho gia đình, trồng cây, nuôi cá, cắm hoa và chơi với những đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu. Cô còn có thể tự may vá, làm tóc và chăm lo ngoại hình.
Tiết lộ trên báo Tuổi trẻ vào đầu năm 2020, Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ về ngày cuối tuần của mình: "Thứ Bảy là ngày dành cho công việc có tính chất vĩ mô hơn như trao đổi định hướng, chiến lược, hay bàn thảo các vấn đề, xu thế quốc tế, các diễn biến liên quan như chiến tranh thương mại, bầu cử Mỹ, xu hướng dịch chuyển FDI… hay đón tiếp các đối tác quốc tế, gặp gỡ, giao lưu… Đi làm thứ Bảy, tôi cho con nhỏ đi theo, vừa để gần con, cũng là muốn tạo thói quen làm việc cho con.
Chủ nhật thường dành cho gia đình và những thú vui như trồng cây, nuôi cá, chăm chút nhà cửa, dành thời gian cho người thân, bạn bè dù vẫn kết hợp công việc".
Áp lực công việc lớn, làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya, mỗi ngày chỉ ngủ được vài tiếng, tuy nhiên CEO Vietjet luôn mang nét tươi tắn, trẻ trung, an nhiên và tràn đầy sức sống. Khi được hỏi bí quyết, Nguyễn Thị Phương Thảo tiết lộ, sự lạc quan chính là mỹ phẩm tốt nhất cho phụ nữ.
Hà Linh (T/h)