Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh, Phó trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân N.N.H. (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến khám trong tình trạng sưng và biến dạng ngực trái.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, từng phẫu thuật nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ do người quen giới thiệu vào tháng 2. Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân khó chịu, sưng đau nhiều vùng ngực trái.
Hơn một tuần sau, chị H. vẫn thấy đau âm ỉ ở ngực và nách trái nhưng không đến bệnh viện khám. Khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng, người này lo sợ mình bị ung thư vú nên đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sau 8 tháng nâng ngực.
Nguy cơ biến chứng từ độn túi ngực rất cao cần cân nhắc kỹ khi phẫu thuật
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ Thịnh cho biết bệnh nhân bị vỡ túi ngực nhân tạo bên trái, nách trái có hạch lớn, bầu ngực biến dạng.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được dùng vật liệu nâng ngực không được Bộ Y tế cấp phép. Hiện túi ngực này bị vỡ hoàn toàn. Bác sĩ đã phẫu thuật lấy bỏ túi ngực ở cả hai bên. Sau khi làm sạch, hạch và bao xơ quanh túi ngực của bệnh nhân được làm sinh thiết để tầm soát ung thư. May mắn, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy sức khỏe của chị H. bình thường. Bệnh nhân được đặt túi ngực mới theo nguyện vọng. Sau phẫu thuật, chị H. được mặc áo định hình, tình trạng sức khỏe ổn định và xuất viện.
Một trường hợp tương tự mới xảy ra vào đầu tháng 10/2020, theo đó các bác sĩ Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP.HCM) đã phẫu thuật khẩn cấp tháo túi ngực và nạo vét các mảnh silicon công nghiệp dính chặt ở các mô tuyến ngực cho bệnh nhân B.T.A (49 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng).
Điều đặc biệt là bệnh nhân được nâng ngực bằng túi silicon Poly Implant Prothese (PIP) kém chất lượng, bị cấm nhập khẩu và lưu hành trên toàn thế giới vào năm 2010. Jean-Claude Mas (Pháp), ông chủ công ty bán túi silicon nâng ngực này đã bị bắt, kết án sau đó vì đã gây ra vụ bê bối về sức khỏe trên toàn cầu.
Bệnh nhân cho biết cách đây 14 năm từng nâng ngực tại một thẩm mỹ viện nhỏ ở Q.1 (TP.HCM). Thời điểm ấy, túi ngực có giá 2.500 USD và được bác sĩ thẩm mỹ quảng cáo là "hiện đại nhất của Pháp". Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, chị A. thấy xung quanh đầu ti vú xuất hiện nhiều vết thâm tím, vùng khoang ngực ngứa âm ỉ rất khó chịu. Gần đây những vết thâm tím chuyển sang màu đen, lan rộng khắp cả quầng vú, ngứa kèm những cơn đau co thắt thường xuyên.
Kết quả chụp MRI cho thấy túi ngực bên phải của bệnh nhân đã vỡ. Tình trạng này kéo theo silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, tuyến và lớp biểu bì da, thậm chí tràn ra hố nách phải khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau nhức, ngứa ngáy kèm theo dịch nhầy vàng.
Nói tới biến chứng sau thẩm mỹ nâng ngực, bác sĩ Vũ Hữu Thịnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, những tai biến thẩm mỹ liên tục xảy ra do quan niệm sai lầm của phụ nữ khi cho rằng phẫu thuật nâng ngực đơn giản, không có nhiều rủi ro. Vì vậy, một số người tìm đến các dịch vụ làm đẹp ngực giá rẻ, do người quen giới thiệu mà không tìm hiểu về uy tín, chuyên môn của cơ sở thẩm mỹ đó.
Phẫu thuật nâng ngực là giải pháp giúp phụ nữ tự tin hơn với vòng một đầy đặn. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro như sốc thuốc, chảy máu, nhiễm trùng, sẹo lồi, thậm chí ảnh hưởng tính mạng nếu không được tư vấn, kiểm tra sức khỏe và thực hiện tại các cơ sở y tế có uy tín.
Đặc biệt hãy tìm tới bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề. Cần quan tâm đến nguồn gốc, giấy phép của các vật liệu khi độn, bơm tiêm trực tiếp vào cơ thể để đảm bảo độ an toàn cho chính mình.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-vo-tui-don-nguc-o-nhung-nguoi-nang-cap-vong-1-a546549.html