Bác sĩ chỉ ra những sai lầm hạ sốt cho trẻ tại nhà, mẹ nào cũng mắc phải

Những lỗi sai cơ bản này, nhẹ có thể khiến trẻ lâu khỏi bệnh, nặng thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng con.

Không phải cha mẹ nào cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý đúng khi trẻ sốt cao, sự lo lắng và lúng túng của mẹ lại gia tăng theo thân nhiệt của trẻ. Vì vậy không ít phụ huynh hoảng loạn và tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ, kể cả nghe theo những kinh nghiệm dân gian mà không kịp xem xét, tìm hiểu phương pháp đó có đúng và phù hợp với con hay không. Những lỗi sai cơ bản này, nhẹ có thể khiến trẻ lâu khỏi bệnh, nặng thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng con.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt quá sớm

Việc làm dụng thuốc hạ sốt sẽ không tốt cho sức khỏe của bé. Ảnh minh họa

Đây là thói quen của nhiều bậc cha mẹ vì nghĩ khi vừa sốt cho uống thuốc hạ sốt sẽ cắt sốt ngay. Hoặc nhiều trường hợp khi cho trẻ đi tiêm chủng về lo con sốt liền cho uống thuốc để “phòng” trẻ sốt cao. 

Tuy nhiên, các bác sĩ không đồng tình với việc này. Theo nghiên cứu, nếu trẻ chưa đến độ sốt (38,5 độ) đã cho uống thuốc hạ sốt không thể ngăn cơn co giật sắp xảy ra. Vì vậy, khi con sốt nên bình tĩnh theo dõi tình trạng của con xem nhiệt độ cơ thể, tri giác của con như thế nào.

Nếu trẻ sốt nhưng vẫn chơi đùa thì chỉ cần theo dõi con, không nên quá lo lắng. Trẻ co giật do sốt lành tính thì không quá hoảng loạn vì không ảnh hưởng tới phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

Chườm đá lạnh

Nhiều trẻ thấy sợ miếng dán lạnh, mỗi lần bị dán lên trán là lập tức khóc inh ỏi, đòi vứt đi. Ảnh minh họa

Một số bà mẹ khi thấy con sốt thì liền chườm lạnh cho con tuy nhiên đây là cách truyền nhiệt hiệu quả rất thấp. Ngoài ra, biện pháp này còn làm co mạch, khiến lỗ chân lông không "mở" để thân nhiệt thoát ra ngoài. Sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt cao. Chính Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo không hạ nhiệt bằng vật lý, không đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay hườm lạnh. 

Cách tốt và hiệu quả nhất là chườm ấm cho trẻ. Dùng khăn nhúng vào nước bằng nhiệt độ cơ thể trẻ (37 – 40 độ C), vắt bớt nước rồi đắp vào vùng bẹn, nách, cổ (những vùng nhiều nếp gấp ra) sẽ giúp lỗ chân lông mở, thoát nhiệt nhanh. Cần thay khăn liên tục, hết ấm lại thay để khăn không bị lạnh, không làm trẻ có cảm giác rét run do nước lạnh ngấm vào người.

Đắp chăn, mặc ấm cho trẻ khi sốt cao đến rét run...

Dù trẻ kêu lạnh cha mẹ cũng không nên đắp chăn cho con, bởi việc đắp chăn càng làm cho thân nhiệt của trẻ tăng cao. Ảnh minh họa

Trẻ em (kể cả người lớn) khi sốt quá cao thì bao giờ người cũng rét run, chân tay lạnh ngắt, thậm chí nhìn thấy vân tím ở chân. Nguyên nhân là khi sốt quá cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh nhưng thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, lên đến 40 - 41 độ C.

Vì thế, dù trẻ kêu lạnh, đòi đắp chăn thì bố mẹ cần nhớ nguyên tắc quan trọng là không được đắp chăn vì càng đắp thân nhiệt càng lên cao, càng lạnh. Không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt thoáng phòng (không thốc vào người trẻ cho cho thông gió) và dùng thuốc hạ nhiệt để hạ nhiệt độ cơ thể, khi nhiệt độ hạ xuống chân tay trẻ sẽ dần ấm lên và trẻ sẽ hết lạnh.

Nhật Hạ (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bac-si-chi-ra-nhung-sai-lam-ha-sot-cho-tre-tai-nha-me-nao-cung-mac-phai-a546715.html