Vợ chồng tôi đã ly hôn và thỏa thuận vợ tôi là người chăm sóc con vì cháu mới hơn một tuổi. Chúng tôi thống nhất một tuần bé ở với mẹ, tuần sau về với bố. Tuy nhiên, vợ cũ không có công việc ổn định lại thường xuyên vắng nhà, để con ở với bà ngoại. Tiền học phí cũng như việc khám bệnh do tôi lo. Gần đây, vợ đưa con đi xa trong lúc đang xin việc rồi cắt liên lạc với tôi. Có phải cô ấy đang cản trở quyền chăm con của tôi không? Tôi có thể xin tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con không? Mong Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật tư vấn giúp tôi.
Người hỏi (Duy Thắng, Thái Nguyên)
Trả lời:
Cảm ơn Quý độc giả đã gửi câu hỏi đến Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật. Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý độc giả, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:
Đầu tiên, chúng ta cần nắm rõ rằng quyền thăm gặp con sau khi vợ chồng ly hôn là một quyền cơ bản, được quy định tại Khoản 3, điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”
Việc bạn yêu cầu được gặp con sau khi vợ chồng ly hôn là quyền cơ bản của bạn, không ai được quyền ngăn cấm, trừ trường hợp “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”
Việc vợ bạn trong trường hợp này tìm đủ mọi lý do, thậm chí là đi xa và cắt liên lạc mà không cho bạn được quyền thăm con đã vi phạm, quy định cụ thể tại Khoản 2, điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Để đảm bảo quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ, pháp luật cho phép cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
“a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Do vậy, dù hiện tại con bạn chưa đủ 36 tháng tuổi nhưng nếu bạn có căn cứ cho rằng mẹ của con bạn không đủ điều kiện để nuôi con thì bạn vẫn có quyền yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Tư vấn bởi Hoàng Trần Ngọc Anh – Công ty Luật FDVN
Hải Sơn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phai-lam-gi-khi-vo-chong-can-tro-quyen-tham-con-sau-khi-ly-hon-a546807.html