BS Trần Thị Lý, khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay việc phát hiện trẻ vàng da sơ sinh tăng cao hơn trước vì các gia đình chú ý tới trẻ hơn, đưa trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện vàng da sớm.
Tỷ lệ trẻ vàng da tại Việt Nam khoảng 30% trẻ sơ sinh nhưng tỷ lệ phải điều trị chỉ dưới 10%. Đa số vàng da sinh lý sẽ khởi phát từ ngày 3-4 sau sinh và trong khoảng hai tuần sẽ hết. Trẻ vàng da sinh lý sẽ vàng da nhẹ từ vùng mặt đến ngực, trẻ ăn bú bình thường.
Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện vàng da sớm 1-2 ngày sau đẻ, sau đó tình trạng vàng da tăng nhanh quá vùng ngực, trẻ có thể bỏ bú, nhược cơ, sốt, khó thở thì cần phải cho ngay đến cơ sở y tế vì trẻ bị vàng da bệnh lý.
“Nếu trẻ vàng da quá mức, chất độc sẽ ngấm vào não gây biến chứng thần kinh, tăng chương lực cơ, bỏ bú. Lâu dài trẻ có thể tử vong hoặc di chứng bại não, giảm thính lực”, BS Lý cho biết.
So với các tuyến khác, trẻ vàng da bệnh lý gặp thường xuyên ở những trẻ ở vùng sâu, xa không có đủ thông tin phát hiện sớm hoặc trẻ có bố mẹ chủ quan không thăm khám sớm.
Có một số hiểu biết sai lầm mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là việc tắm nắng không điều trị được vàng da vì khi trẻ vàng da phải cần ánh sáng xanh, còn nắng chỉ có ánh sáng tổng hợp nên không có tác dụng điều trị.
“Bình thường, hầu hết trẻ vàng da nhẹ sẽ hết trong 10 ngày đầu. Một số cháu bú sữa mẹ vàng da kéo dài hơn nhưng vàng nhẹ. Gia đình nên quan sát trẻ dưới ánh sáng tự nhiên phát hiện vàng da dễ dàng nhất”, BS Lý nói.
Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý, trẻ sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân. Nếu bilirubin vẫn ở ngưỡng an toàn, trẻ sẽ được chiếu đèn. Tuy nhiên, khi ngưỡng này cao hơn thì trẻ sẽ được chỉ định thay máu.
Hiện tại cơ sở y tế từ tuyến huyện đã có thể điều trị vàng da bằng chiếu đèn. Khi có chỉ định thay máu, trẻ sẽ được chuyển tuyến lên các cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung ương.
Nếu trẻ vàng da bệnh lý nhưng được phát hiện sớm thì sau 1-3 ngày chiếu đèn, trẻ có thể ra viện. Nếu trẻ phải thay máu thì sau khi thay máu, trẻ tiếp tục được chiếu đèn 3-5 ngày và phải tái khám thường xuyên.
Các bà mẹ nên cho con bú nhiều bằng sữa mẹ vì trẻ tiêu hóa tốt, đi tiểu và đại tiện nhiều sẽ thải bớt chất độc bilirubin. Trong thời tiết mùa đông, chúng ta nên dành 1-2 phút ra chỗ ánh sáng tự nhiên để quan sát phát hiện, tránh bỏ sót bệnh vàng da ở trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình một tuần có 1-2 ca trong tình trạng vàng da nặng phải thay máu. Mặt khác, các bà mẹ sau sinh nên tái khám cho trẻ tại cơ sở y tế sinh 3-5 ngày sau đẻ hoặc phát hiện vàng da sớm. Đặc biệt là trẻ bị vàng da trong vòng 48 giờ sau sinh cần được đưa đến bệnh viện ngay. Hơn nữa, việc không tái khám, bỏ lỡ thời gian điều trị phù hợp, phải chiếu đèn tích cực hoặc thay máu đều có thể để lại di chứng cho trẻ.
Đông Phong (T/h)