Bữa sáng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, trước khi bắt đầu một ngày học tập bận rộn, bữa sáng phong phú có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ. Nếu trẻ không ăn sáng, hoặc ăn sáng không đúng cách đều sẽ gây hại, ở mức độ nhẹ, cả ngày trẻ không hoạt bát, giảm sự tập trung trong lớp, trường hợp nặng có thể dẫn đến hạ đường huyết, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, bữa sáng ăn no, ăn nhiều thôi chưa đủ mà phải đảm bảo đủ chất cho trẻ. Tại sao có những đứa trẻ ăn sáng đầy đủ nhưng cơ thể vẫn thiếu dinh dưỡng. Có một sự việc thực tế đã xảy ra ở Trung Quốc: Một người mẹ nhận được tin của cô giáo thông báo rằng con cô bị ngất xỉu khi đang ở trường, đã đưa tới viện. Khi người mẹ tới, bác sĩ nói rằng đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, hạ đường huyết.
Điều này khiến người mẹ rất thắc mắc vì ngày nào cô cũng chuẩn bị bữa sáng cho con nghiêm túc, chưa từng bỏ bữa sáng, làm sao đứa trẻ lại thiếu chất? Thực tế, có những món ăn sáng, cha mẹ chuẩn bị cho con cái nhìn rất nhiều nhưng lại không hề có dinh dưỡng. Trẻ ăn những món này không chỉ không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn tổn hại tới sức khỏe.
Thực phẩm chiên rán
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm chiên rán có hàm lượng mỡ cao. Sau khi chiên, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị phá hủy khá nhiều, hơn nữa còn sản sinh ra một số chất có hại cho sức khỏe. Thêm vào đó, thực phẩm qua nhiệt độ cao, ngấm nhiều dầu rất khó tiêu hóa. Nếu uống kèm thêm với sữa có nhiều chất béo sẽ tạo thành bữa ăn sáng có hàm lượng chất béo cao quá mức dung nạp. Ăn sáng bằng những thực phẩm chiên rán quá nhiều thực sự không tốt cho trẻ.
Mì ăn liền
Lối sống hiện đại bận rộn khiến nhiều bậc phụ huynh lựa chọn mì ăn liền làm bữa ăn sáng cho con. Tuy món ăn này chế biến nhanh chóng và dễ dàng nhưng nó được chiên đi chiên lại nhiều lần, hàm lượng chất béo khá cao và khi đi vào cơ thể có nguy cơ tồn đọng lại rất lâu. Ăn nhiều mì ăn liền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón do mì ăn liền không cung cấp vitamin và chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa. Những gói gia vị trong mì ăn liền cũng chứa nhiều bột ngọt, có hại cho sức khỏe
Thức ăn nhanh
Ưu điểm của thức ăn này là nhanh, ngon, nhưng hàm lượng calo lại rất thấp và cực mất cân bằng dinh dưỡng vì khẩu phần của chúng thường thường thiếu các vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất dinh dưỡng khác. Nếu mẹ chọn cho con ăn “kiểu Tây” bằng các thức ăn nhanh cho bữa ăn sáng, mẹ nên kết hợp cho con ăn thêm trái cây hay súp rau để duy trì cân bằng dinh dưỡng.
Cơm rang từ thức ăn thừa
Nhiều bậc cha mẹ cố tình nấu thừa thức ăn vào buổi tối để sáng hôm sau hâm nóng lại làm bữa sáng cho con hoặc có thể tận dụng những thực phẩm rau, thịt thừa để làm món cơm rang đẹp mắt. Quả thực, một bữa ăn có đủ rau, thịt có vẻ đầy đủ dinh dưỡng nhưng thực tế, giá trị của thức ăn đã thay đổi sau khi để qua đêm.
Thức ăn khi đó không chỉ mất chất dinh dưỡng mà còn có thể là nơi sinh sôi của rất nhiều vi khuẩn. Hơn nữa, dinh dưỡng sẽ không được đảm bảo, trẻ còn có thể bị tiêu chảy do ăn đồ ăn qua đêm.
Bữa sáng lành mạnh cho trẻ phải như thế nào?
Khi vừa thức dậy vào buổi sáng, khẩu vị của trẻ không được tốt, cha mẹ cần chuẩn bị bữa sáng đa dạng để trẻ ăn được nhiều hơn. Dưới góc độ dinh dưỡng, cần có bốn loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm chủ yếu: cơm, bánh bao hấp, bánh mì…
- Trứng, các loại thịt và cá.
- Sữa hoặc sữa đậu nành.
- Hoa quả và rau củ.
Bữa sáng nên có ít nhất hai món, bữa sáng càng đa dạng, phong phú thì trẻ càng bổ sung nhiều dinh dưỡng. Đối với trẻ đang lớn và phát triển, điều quan trọng nhất là bổ sung canxi và protein, nhưng cũng phải chú ý kiểm soát khẩu phần ăn, tránh béo phì.
Nói một cách đơn giản, bữa sáng hàng ngày nên có một ly sữa, một quả trứng, trái cây, và sau đó là bất kỳ thực phẩm chủ yếu nào. Tốt nhất không nên ăn thức ăn có quá nhiều dầu và muối vào buổi sáng, những thức ăn nhạt sẽ thân thiện với dạ dày của trẻ hơn.
Nhật Hạ (T/h)