Từ cuối những năm 1950, Thẩm Thúy Hằng nổi lên như một hiện tượng và được xem là ngôi sao sáng giá của phim thương mại khu vực miền Nam. Không chỉ sở hữu nét đẹp hơn người, Thẩm Thuý Hằng còn là gương mặt sáng giá trong nhiều bộ phim hợp tác với quốc tế. Bà được xếp trong danh sách "Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn" một thời cùng với Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương.
Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1940, trưởng thành tại Sài Gòn nhưng xuất thân trong một gia đình gốc Hải Phòng với tên thật là Nguyễn Kim Phụng. Thời con gái, bà đẹp một cách tự nhiên, mặt trái xoan, mắt bồ câu, môi trái tim, cằm chẻ … cơ thể chuẩn cả 3 vòng. Thẩm Thúy Hằng không chỉ là thần tượng về nhan sắc, trên sân khấu, phim ảnh mà còn ngay cả trong đời thường. Rất nhiều cô gái thời đó lấy sắc đẹp của Thẩm Thúy Hằng làm chuẩn mực.
Không quá lời khi nói rằng vẻ đẹp của bà gây ám ảnh, thậm chí giới truyền thông còn so sánh nhan sắc của Thẩm Thúy Hằng ngang ngửa với Marilyn Monroe - biểu tượng sắc đẹp và huyền thoại điện ảnh Mỹ.
Về cơ duyên đến với điện ảnh, trong một lần đọc được thông tin về cuộc thi tuyển diễn viên, cô gái Kim Phụng 16 tuổi ngày ấy đã âm thầm giấu gia đình ghi tên dự tuyển. Với dung mạo xuất chúng và tài năng diễn xuất thiên phú, Kim Phụng xuất sắc vượt qua 2.000 người đẹp khác và vinh dự giành giải Nhất.
Lấy cảm hứng từ sự ngưỡng mộ đối với người thầy dạy văn chương Thẩm Thệ Hà đang nổi tiếng thời bấy giờ, giám đốc hãng phim đã đặt nghệ danh cho Kim Phụng là Thẩm Thúy Hằng. Cũng từ đây, sự nghiệp điện ảnh của bà bắt đầu.
Khi nhắc tới nữ minh tinh, người mến mộ đều nhớ tới vai diễn đầu tiên của bà - vai Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương (1958). Bộ phim không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn giới thiệu được gương mặt sáng giá cho nền điện ảnh nước nhà. Tên tuổi bà trở nên nổi như cồn, trở thành thần tượng một thời của khán giả mọi tầng lớp.
Đến cuối những năm 1970, bà tham gia trong hàng loạt vai diễn ăn khách và trở thành biểu tượng một thời của sắc đẹp. Từ những bộ phim như: Nàng, Mười năm giông tố, Tứ quái Sài Gòn, Bóng người đi, Ngậm ngùi, Đôi mắt huyền, Oan ôi ông địa, Tơ tình, Sự tích trầu cau, Ngưu Lang – Chức Nữ... thì danh tiếng của Thẩm Thuý Hằng không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn vang xa ở nhiều nước Đông Nam Á.
Bà cũng tham gia trong nhiều bộ phim đa quốc tịch như: Sóng tình (hợp tác Đài Loan), Điệp vụ tìm vàng, Sài Gòn vô chiến sự,... và trở nên thân thiết với nhiều diễn viên nổi tiếng nước ngoài như: Chân Trân, Lâm Thanh Hà, Khương Đại Vệ,... Nữ minh tinh sinh năm 1940 từng nhận được nhiều giải thưởng lớn ở nước ngoài như: LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 - 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Moscow và Tasken tại Liên Xô năm 1982,...
Không chỉ là một diễn viên tài sắc vẹn toàn, Thẩm Thúy Hằng còn xây dựng hình tượng nghệ sĩ đa năng với việc tham gia viết kịch bản, dàn dựng sân khấu, thành lập hãng phim riêng mang tên mình. Bà thậm chí còn thử khả năng diễn xuất đa dạng trên sân khấu kịch, cải lương, ghi dấu ấn trong lòng khán giả Sài thành thời ấy. Đây cũng là thời kỳ huy hoàng nhất của Thẩm Thúy Hằng trong sự nghiệp với vẻ đẹp chim sa cá lặn, mỗi nơi bà xuất hiện đều để lại những ấn tượng khó phai với hình ảnh sang trọng, quý phái.
Là minh tin màn bạc nổi tiếng nhưng Thẩm Thúy Hằng luôn khéo léo giữ mình, rời xa những chuyện thi phi ồn ào. Nhiều đại gia giàu có, vương tôn công tử sẵn sàng bỏ cả đống tiền để chinh phục mỹ nhân nhưng Thẩm Thúy Hằng đều không quan tâm.
Ở tuổi chớm đôi mươi xuân sắc, Thẩm Thúy Hằng từng lên xe hoa theo sự sắp đặt của cha mẹ, thế nhưng cuộc hôn nhân sau đó đổ vỡ.
Sau này vào năm 1968, Thẩm Thúy Hằng tình cờ gặp gỡ định mệnh của đời mình là GSTS Nguyễn Xuân Oánh còn gọi là Tony Oánh (lớn hơn Thẩm Thúy Hằng 20 tuổi). Vượt qua mọi sóng gió dư luận, Thẩm Thúy Hà kết hôn cùng giáo sư Xuân Oánh vào năm 1970. Cặp đôi "đũa lệch" đã chứng minh nhiều người đã sai bởi họ sống với nhau rất hạnh phúc, có được 4 người con, cả 4 người đều thành đạt.
Ông Nguyễn Xuân Oánh là một người rất khiêm tốn trong đối nhân xử thế và mẫn cản trong công việc, đồng thời cũng rất yêu thương Thẩm Thúy Hằng. Chính ông đã khuyến khích động viên vợ tiếp bước trên con đường nghệ thuật thay vì cấm cản và cũng chính ông đã hỗ trợ tài chính để Thẩm Thúy Hằng thành lập hãng phim mang tên bà.
Khi đã bước qua bên kia sườn dốc nghệ thuật, vì quá tiếc nuối nhan sắc thời trẻ, Thẩm Thúy Hằng đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ mong lấy lại vẻ đẹp thời hoàng kim. Hậu quả là khuôn mặt mỹ nhân được mệnh danh đẹp nhất lịch sử màn ảnh Việt Nam đã biến dạng một cách khủng khiếp.
Khi người chồng thứ 2 qua đời, Thẩm Thúy Hằng sống hoàn toàn khép kín, ít tiếp xúc với bên ngoài sau di chứng của phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ trong những dịp gặp gỡ bạn bè thân thiết, bà mới xuất hiện nhưng né tránh báo chí. Nữ nghệ sĩ quyết định tìm đến thiền định, lấy pháp danh nhà Phật, tập trung làm từ thiện để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, cần sự giúp đỡ của mọi người. Thẩm Thuý Hằng nghĩ rằng mưu cầu tình yêu, hạnh phúc cho mọi người cũng là mưu cầu tình yêu, hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Hiện tại, cho dù “Người đẹp Bình Dương” không còn đứng trên sân khấu, xuất hiện trong phim với các vai diễn khóc cười theo số phận của người phụ nữ luôn mưu cầu hạnh phúc, dù có gặp bao trắc trở, khổ đau, hứng chịu bao nỗi đoạn trường, kể cả di chứng của “dao kéo”… thì khán giả sẽ luôn nhớ đến bà - một nhan sắc và tài năng đã cống hiến hết mình một cuộc đời huy hoàng cho nghệ thuật.
Vân Hi (T/h)